ĐBQH Dương Trung Quốc: Xem lại kêu gọi “ưu tiên dùng hàng Việt Nam“
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, khi chất vấn Thủ tướng Chính phủ có đề xuất: Đã đến lúc kêu gọi “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được xem lại; đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tâm thế để chuyển thành cuộc vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Cuộc vận động bị lợi dụng để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái
Cụ thể, theo ĐBQH Dương Trung Quốc, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động cách đây đã 17 năm là một chủ trương lớn và đã có hiệu quả thiết thực, nhưng, theo tôi, đã đến lúc cần thay đổi. Trong khi các rào cản giám sát của các nền kinh tế tiên tiến của thế giới buộc chúng ta phải làm ăn đàng hoàng mà vụ “rút thẻ vàng” của EU đối với ngành đánh bắt cá của chúng ta là một điển hình, thì việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam khiến thị trường trong nước bị một số doanh nghiệp lợi dụng tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà tình trạng mất an toàn thực phẩm hay vụ Khaisilk là điển hình.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Ảnh: Bích Lan/VOV.VN) |
Mặt khác, trên thực tế năng lực và chất lượng sản phẩm Việt đã có nhiều thay đổi tích cực, bằng chứng là hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường “khó tính” ngày càng nhiều và có hiện tượng hàng nước ngoài phải gắn mác Việt Nam để tiêu thụ ở Việt Nam.
Vì thế, theo ĐBQH Dương Trung Quốc, đã đến lúc kêu gọi “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được xem lại; đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tâm thế để chuyển thành cuộc vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” để chinh phục ngay cái thị trường ngót trăm triệu dân đang bị nhiều doanh nghiệp nước ngoài chinh phục. Đó cũng là điều thường thấy ở các nền kinh tế tiên tiến luôn coi trọng thị trường quốc nội ưu tiên phục vụ chính những người dân của mình.
Không phải chủ trương bảo hộ hàng hóa trong nước
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ trả lời rằng, chủ trương toàn cầu hóa, tự do thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành một xu thế mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tuy nhiên gần đây, một số quốc gia đang có xu hướng quay lại tập trung vào củng cố và phát triển thị trường trong nước thông qua việc tạo những rào cản với mậu dịch tự do. Xu hướng này có thể làm dấy lên một cuộc chiến tranh thương mại mới, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
(ảnh minh họa: KT) |
"Việt Nam với tư cách là nền kinh tế theo đuổi tự do thương mại và đầu tư, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, sẽ đối mặt với không ít thách thức từ xu hướng này."- Thủ tướng nhận định.
Đối với thị trường thương mại nội địa nước ta, Thủ tướng cho biết: tính đến hết tháng 11/2017 có tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.600.658 tỷ đồng, tăng 10,73% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng giai đoạn từ 2006-2015, dù ngân sách nhà nước đầu tư không đáng kể nhưng đóng góp bình quân của thương mại nội địa trong GDP đạt khoảng 10,6%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 6,7 triệu người năm 2015, tương đương với 12% tổng lao động xã hội (đứng thứ ba sau ngành công nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo).
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường nội địa, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường nội địa, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động từ năm 2009.
Qua đó, người tiêu dùng Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và tâm lý tiêu dùng, ngày càng đánh giá cao và ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam. Trong hệ thống siêu thị, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn từ 70-80% trong hệ thống bán lẻ hiện đại (hệ thống siêu thị của Saigon Co.op và Big C tỷ lệ là 90% hàng Việt …).
Cuộc vận động không hẳn là nhằm bảo vệ người sản xuất, cũng không phải chủ trương bảo hộ hàng hóa trong nước mà chính là vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng để nâng cao tinh thần phát hiện hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu hàng Việt Nam.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, giúp các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam dần chinh phục được người tiêu dùng Việt. Qua đó, nội dung của Cuộc vận động đã bao hàm “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Chấn chỉnh công tác quản lý thị trường
Thủ tướng cũng đánh giá, bên cạnh nhiều kết quả tích cực của Cuộc vận động, cũng xuất hiện một số doanh nghiệp lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng, lợi dụng cơ chế chính sách, đã có hành vi gian dối, vi phạm pháp luật. Trường hợp vi phạm của Công ty Khaisilk, thiệt hại ở đây không chỉ là của bản thân doanh nghiệp mà lớn hơn là ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu các sản phẩm của Việt Nam, tổn hại đến lòng tin của người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước đối với các sản phẩm hàng hóa nói chung của Việt Nam.
Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển thị trường trong nước cho hàng Việt Nam, triển khai hiệu quả tinh thần của Cuộc vận động, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành tích cực triển khai các nhóm giải pháp như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO); hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường.
Trong đó, nhóm giải pháp về đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường được quan tâm chú trọng nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, niềm tin, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam./.