ĐBQH: Đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao dễ dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô
Đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao dễ dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô?
Phát biểu tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội ngày 2/10, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) -thẳng thắn, cả hai bản kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đều có một điểm chung, đó là rất tham vọng.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc |
“Từ một góc độ nào đó, việc đặt ra những mục tiêu cao sẽ tạo động lực để cả hệ thống vươn xa hơn. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, việc đặt ra những mục tiêu quá tầm với lại thể hiện tính chủ quan, duy ý chí, bỏ qua các quy luật khách quan và cũng không phải là vô hại", ông Lộc đánh giá.
Nhìn lại các kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn trước, vị đại biểu này cho rằng, chính việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bất ổn kinh tế vĩ mô, bởi nó đòi hỏi quá nhiều nguồn lực, buộc các chính sách tài chính và tiền tệ phải nới lỏng quá mức, gây ra những hệ luỵ như lạm phát, nợ công và nợ xấu … mà cho đến nay vẫn còn loay hoay chưa giải quyết xong.
Với những phân tích đánh giá nêu trên, Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra những mục tiêu phù hợp với thực lực hơn, chứ không đưa ra những mục tiêu quá cao để phấn đấu mà không bao giờ đạt được, hay các mục tiêu quá thấp để dễ dàng vượt qua. Chỉ khi đưa được ra những mục tiêu có tính khả thi, đồng thời có các kịch bản xử lý tình huống đi kèm mới giúp nền kinh tế phát triển bền vững và ít bị động trước các cú sốc.
Cần tận dụng mọi nguồn lực
Cũng tại phiên thảo luận cùng ngày, không ít đại biểu cũng bày tỏ mối băn khoăn về nguồn lực 10,5 triệu tỷ đồng tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) băn khoăn về cơ sở đưa ra con số 10,5 triệu tỷ đồng, và tính khả thi của đề án tái cơ cấu của Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội Phùng Văn Hùng |
Ông Hùng lưu ý: “Trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 Chính phủ dự kiến cần một nguồn lực tái cơ cấu lên đến trên 10,5 triệu tỷ đồng, một con số không nhỏ, nếu không có sự tham gia của khối kinh tế ngoài nhà nước thì hiệu quả và tính khả thi của tái cơ cấu sẽ không cao. Khi nhà nước làm được vai trò của một nhà nước kiến tạo, liêm khiết và hành động như đồng chí Thủ tướng đã từng tuyên bố thì đó sẽ là động lực để khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia, bởi đó cũng chính vì lợi ích của chính doanh nghiệp”.
Trong khi đó, đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) cũng nhận định, đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới của Chính phủ cần giải được bài toán huy động nguồn lực trong dân.
Đại biểu Quốc hội Lê Quân |
Theo đó, vị đại biểu này cho rằng, cần đẩy nhanh quá trình thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp và "trám" vốn tư nhân vào khoảng trống này. Sự rút lui của Nhà nước khỏi một số lĩnh vực sẽ tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, nguồn lực thu được từ thoái vốn sẽ được ưu tiên cho đầu tư phát triển.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi, đặc biệt là tính bền vững chưa đạt được yêu cầu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến |
Bà Yến kiến nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục triệt để, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, đánh giá trách nhiệm đối với bộ, ngành, địa phương hàng năm. Đặc biệt phân công các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách các vùng kinh tế trọng điểm làm tổng chỉ huy chỉ đạo và điều phối./.