Dấu ấn văn hóa 2016: “Mở cửa” Nhà hát Lớn Hà Nội
Với chủ trương này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã mở rộng cánh cửa cho các tác phẩm sân khấu truyền thống, tác phẩm nghệ thuật hàn lâm, kinh điển đến được với công chúng trong không gian nghệ thuật sang trọng bậc nhất của đất nước, mặc dù, để làm được điều này, các đơn vị nghệ thuật phải nỗ lực rất lớn.
Mở màn với chương trình “Hòa nhạc giao hưởng đặc biệt” của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, rồi những tác phẩm sân khấu đã giành huy chương vàng, huy chương bạc tại các liên hoan, cuộc thi nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp như: “Biệt đội Báo đen”, “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam; “Vua Thánh triều Lê” của Nhà hát Cải lương Việt Nam; vở Ba lê cổ điển “Kẹp hạt dẻ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam… đã lần lượt ra mắt công chúng theo chủ trương “mở cửa” Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nhà hát Lớn, Hà Nội. |
Đây thực sự là luồng gió mới trong hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp năm 2016. Đợt biểu diễn đã nâng tầm chất lượng của các chương trình, vở diễn cũng như tạo bầu không khí phấn khích trong giới nghệ sĩ, sự quan tâm của dư luận xã hội.
Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ chia sẻ: "Sự chuyển mình của Nhà hát Lớn trở thành một địa điểm biểu diễn cho những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn đạt giải thưởng tạo ra sự lan tỏa, chú ý của công chúng yêu nghệ thuật, đồng thời cũng cho chúng ta thấy là muốn cho văn hóa nghệ thuật biểu diễn phát triển, tạo ra công chúng thì cần sự hỗ trợ rất quan trọng từ các cơ quan quản lý nhà nước".
Sự đúng đắn của chủ trương là điều đã được khẳng định. Điều dư luận quan tâm là làm sao để chủ trương có kế hoạch dài hơi hơn cũng như thực sự đi vào đời sống. Hiện nay, lịch biểu diễn tại Nhà hát Lớn khá thụ động, thiếu cân đối vì phụ thuộc vào việc đăng ký của các đơn vị nghệ thuật. Nếu nhìn qua 15 chương trình đã biểu diễn tại Nhà hát Lớn theo chủ trương này dễ dàng nhận thấy chỉ có một số chương trình thực sự đạt chất lượng như mong muốn và thu hút khán giả, không ít chương trình mà khán phòng Nhà hát Lớn được lấp đầy bởi những tấm vé mời.
Thực tế cho thấy, để diễn trên sân khấu danh giá này, trước nay nhiều đơn vị đã phải “cắn răng” bù lỗ để chơi sang. Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: "
Chủ trương ra Nhà hát Lớn rất là đúng đắn. Thế nhưng thời gian qua tôi thấy lượng vé bán ra hơi thưa thớt. Giá như nó được đồng bộ hơn. Bởi nếu như các Nhà hát phải bỏ tiền thì nên để các nhà hát kinh doanh bán vé, cũng như đi kêu gọi các tài trợ. Với các nhà hát khác có thể bình thường nhưng với nhà hát chúng tôi thì nhiều năm nay không có hình thức bán vé".
Vở cải lương "Vua Phật". |
Phải khó khăn lắm Nhà hát Tuồng Việt Nam mới duy trì lịch diễn thứ Ba và thứ Năm hàng tuần tại Rạp Hồng Hà với giá 150.000 đồng/vé. Ngay cả những vở tuồng được đánh giá là kinh điển như: “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”, “Phật Hoàng Trần Nhân Tông” cũng không ngoại lệ. Đây cũng là nỗi niềm chung của nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác. Bởi từ lâu, khán giả đã quen với việc đi xem bằng vé mời.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng cần phải tính đến chiến lược lâu dài về vở diễn, tần suất, hoặc tổ chức thành các chuyên đề để khán giả dễ tiếp cận hơn: "
Nhà hát Tuồng Việt Nam đưa ra rất nhiều phương thức tiếp cận khán giả, lôi kéo khán giả đến với Tuồng, thậm chí có những đêm biểu diễn miễn phí để tuyên truyền quảng bá nhằm bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Thế nhưng khán giả đến xem tuồng vẫn không nhiều. Làm thế nào để diễn tại Nhà hát Lớn thành phố, một thiết chế nổi tiếng như vậy thì liệu khán giả có đến với Tuồng hay không? Mời còn khó huống chi là mua vé đến xem".
Ở một khía cạnh khác, những chương trình nghệ thuật ở Nhà hát Lớn còn được kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt góp phần giữ chân du khách ở lại với Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng Cục Du lịch đánh giá: "
Việc mở cửa Nhà hát Lớn là một hoạt động rất sáng tạo và đột phá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhưng thời gian vừa qua chương trình này mới chỉ là giai đoạn khởi động. Để chương trình này trở thành sản phẩm du lịch, chúng ta cần quan tâm đến mấy vấn đề như chương trình nó phù hợp, hấp dẫn, khác biệt với các thị trường khách của chúng ta, và chúng ta phải duy trì thường xuyên".
Được đánh giá là mang tính đột phá về cách tổ chức, tạo hiệu ứng cao trong xã hội, nhưng để chủ trương “mở cửa” Nhà hát Lớn Hà Nội, công diễn thường xuyên các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đi vào đời sống, cần có những kế hoạch thiết thực hơn. Bởi sự băn khoăn của lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật không phải là vô cớ. Nhất là khi họ đang trong lộ trình tự chủ tài chính. Ai cũng muốn được biểu diễn trong không gian sang trọng, danh giá như Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhưng rồi, họ phải cân nhắc thiệt hơn. Bởi nghệ thuật không thể sống bằng những tấm vé mời “in giá tiền triệu”./.