Đảm bảo an toàn khai thác khoáng sản mùa mưa bão - đã ps CM HTTH 10.6
Công ty Cổ phần Khai khoáng Nam Việt đã tiến hành đắp, gia cố trên 300m kè đất, chạy dọc theo bờ sông Cầu. Bên cạnh đó, công ty còn tiến hành trồng cây xanh tạo cảnh quan và tăng độ liên kết cho đất đắp.

Để đảm bảo an toàn đối với trang thiết bị, máy móc và con người hiện đang thực hiện khai thác khoáng sản tại mỏ cát Bổng Lai; đồng thời, hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ sạt lở bờ sông làm mất đất sản xuất, đe dọa tính mạng của người dân trên địa bàn xã Thượng Đình, huyện Phú Bình. Công ty Cổ phần Khai khoáng Nam Việt đã tiến hành đắp, gia cố trên 300m kè đất, chạy dọc theo bờ sông Cầu thuộc phạm vi ranh giới của mỏ được cấp phép. Hàng nghìn chiếc cọc tre, một khối lượng lớn đá hộc đã được sử dụng để phục vụ cho việc bồi đắp. Bên cạnh đó, công ty còn tiến hành trồng cây xanh tạo cảnh quan và tăng độ liên kết cho đất đắp... Bà Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc Công ty Cổ phần khai khoáng Nam Việt cho hay: "Chúng tôi luôn luôn có sự phối hợp với địa phương phòng, chống, từ các phương tiện đến nhân lực phục vụ cho những tình huống xấu xảy ra; dòng sông chúng tôi luôn để thông thoáng các luồng lạch, xung quanh chúng tôi đã kè các bờ chắc bằng cách trồng thêm cây".

Đảm bảo an toàn khai thác khoáng sản mùa mưa bão - đã ps CM HTTH 10.6
Hiện nay, việc đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản đang là vấn đề được các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm.

Trên địa bàn xã Thượng Đình, huyện Phú Bình hiện có hai đơn vị đang tiến hành khai thác cát sỏi lòng sông. Để khai thác có hiệu quả, đảm bảo an toàn theo đúng quy định và kịp thời ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay. Chính quyền địa phương đã thường xuyên kiểm tra, nắm bắt, rà soát các quy trình, biện pháp an toàn, phòng chống bão lụt, các phương án triển khai thực hiện khi có tình huống bất ngờ xảy ra đối với các đơn vị này. Trên cơ sở đó, có biện pháp xử lý kịp thời để đưa các công trình, máy móc thiết bị có nguy cơ mất an toàn về vị trí an toàn phù hợp theo quy định.

Ông Hoàng Đình Ẩm, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Đình, huyện Phú Bình cho biết: "Đối với Thượng Đình, năm 2020, chúng tôi đã ban hành các văn bản chỉ đạo xuyên suốt từ xã đến các xóm; quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm 4 tại chỗ. Đến thời điểm hiện nay, vào mùa mưa bão, chúng tôi đã có các phương án; chúng tôi có các tổ tại các xóm đã triển khai rất đồng bộ, sẵn sàng các phương án khi tình huống xảy ra có ứng phó kịp thời. Được sự phê duyệt của tỉnh cho khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, qua công tác phối hợp kiểm tra, các đơn vị hiện nay cơ bản chấp hành tương đối tốt về công tác phòng, chống thiên tai để chống sạt lở làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn".

Trên tuyến sông Công thuộc địa phận xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên, hiện nay, cũng có các đơn vị được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng. Để bảo vệ hai bên bờ sông, ổn định dòng chảy và bảo đảm an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão, UBND xã đã tăng cường các biện pháp phối hợp, quản lý hoạt động khai thác, tập kết cát sỏi trong ranh giới của các mỏ. Kiên quyết chấn chỉnh, nhắc nhở các chủ mỏ phải bảo đảm mọi điều kiện tốt nhất cho công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai…

Ông Lê Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên thông tin: "Tại thời điểm này, chúng tôi đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và đã tổ chức hội nghị triển khai đến các tổ tự quản công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở các xóm và đã phân công cụ thể cho các đội xung kích, đội cứu nạn, tổ thông tin liên lạc, tổ cứu sập, cứu nạn rất cụ thể, chi tiết, có số điện thoại liên hệ để khi có tình huống xảy ra, chúng tôi lắp ghép theo các phương án để tổ chức thực hiện. Riêng đối với xã Đắc Sơn có 2 công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn là Công ty Mai Linh và Công ty An Phú, chúng tôi đã mời giám đốc, những người đại diện công ty lên trụ sở UBND xã để làm việc, bàn phương án khai thác khoáng sản trong thời gian mùa mưa bão sắp tới. Đặc biệt, những ngày mùa mưa bão nước lên to, chúng tôi có yêu cầu 2 đơn vị tạm dừng khai thác để đảm bảo công tác phòng chống lụt bão, chống sạt lở 2 bờ sông, đảm bảo an toàn cho nhân dân".

Là địa bàn được đánh giá là giàu tài nguyên khoáng sản. Huyện Võ Nhai hiện có 20 đơn vị đang có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND, các sở, ngành chuyên môn của tỉnh. Huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc chủ động ứng phó đối với sự cố môi trường, lũ quét và sạt lở đất... chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị khai thác trên địa bàn thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về các hiện tượng thời tiết bất thường để chủ động triển khai phòng ngừa có hiệu quả. Thực hiện việc kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, các hồ chứa bùn thải, bãi thải để có phương án xử lý, ứng phó kịp thời khi sự cố xảy ra. Qua kiểm tra, cơ bản các đơn vị đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Đồng thời, huyện cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp cam kết khai thác đúng thiết kế theo đề án được phê duyệt; chấp hành nghiêm các quy định, thông báo, hiệu lệnh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Khi có hiện tượng bất thường như: mưa bão, lũ quét, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác phải tạm dừng hoặc thay đổi kế hoạch khai thác…

Ông Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: "Để đảm bảo công tác phòng, chống lụt bão trong mùa mưa bão, UBND huyện Võ Nhai đã chỉ đạo yêu cầu tất cả các cơ sở mỏ xây dựng phương án theo phương châm 4 tại chỗ; đồng thời, giao cho UBND các xã, thị trấn phối hợp hỗ trợ các cơ sở mỏ trong điều kiện cần thiết. Qua kiểm tra, hiện nay, các cơ sở mỏ trên địa bàn huyện Võ Nhai đều đàm bảo điều kiện phòng, chống lụt bão".

Hiện nay, việc đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản đang là vấn đề được các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Với việc chủ động và chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Tin tưởng rằng, mức độ thiệt hại sẽ được giảm thiểu tới mức tối đa, đảm bảo và ổn định cho cuộc sống của người dân khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản./.