Đại biểu "truy" 2 Giám đốc Sở: Tại sao cho dự án bất động sản lấp kênh rạch?
Sở cho phép lấp rạch nên khó xử lý
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa IX ngày 13/7, nhiều đạt biểu chất vấn Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Trần Quang Lâm và Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình về việc các chủ đầu tư dự án bất động sản lấp kênh rạch gây ngập úng trong khu vực.
Các đại biểu phản ánh nhiều về tình hình kẹt xe, ngập nước và kênh rạch bị lấn chiếm |
Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc: “Tại sao cơ quan chức năng lại cho phép họ tạm san lấp kênh rạch để làm dự án? Điều này làm thay đổi chức năng tiêu thoát nước của kênh rạch tự nhiên, gây ngập úng và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân”.
Bà dẫn chứng trường hợp công ty CP ĐTPT Sông Đà lấp rạch phụ Lò Đường để thi công dự án Sông Đà Riverside (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) gây ngập nước nặng nề cho khu dân cư lân cận. Việc này các đại biểu đã nhận được phản ánh của cử tri từ rất lâu, UBND quận cũng đã tiếp nhận nhưng vẫn chưa thể giải quyết vì chủ đầu tư có giấy cho phép tạm lấp rạch.
Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc đặt vấn đề: “Trước đây, phần việc này là do Sở GTVT quản lý và cấp phép, nay là Sở Xây dựng quản lý. Xin hỏi Sở GTVT là trước khi cấp phép cho họ san lấp rạch có đánh giá việc gây ngập úng dân cư xung quanh hay không? Sau khi cấp phép thì giám sát thế nào về việc họ trả lại mặt bằng kênh rạch sau khi thi công xong? Xử lý ra sao khi họ chậm hoặc không hoàn trả lại dòng kênh?...”.
Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc chất vấn tại hội trường |
Trả lời đại biểu, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT, thừa nhận là trước đây, để tạo điều kiện cho các dự án nhà ở thi công, Sở GTVT có cho phép lấp tạm có thời hạn. Ông nói: “Thời gian tới, Sở GTVT sẽ mời UBND quận Thủ Đức và sở Xây dựng để giải quyết vấn đề này”.
Tuy nhiên, đại biểu Mỹ Ngọc chưa hài lòng. Bà cho là không chỉ ở dự án Sông Đà Riverside mà Sở cần có giải pháp chung cho tất cả các dự án đang lấn chiếm kênh rạch, lấp dòng tiêu thoát nước tự nhiên, gây ngập úng nặng nề.
Bà cho rằng: “Thời gian tới cần có rà soát tổng thể vấn đề này, đánh giá lại hiện trạng việc cho phép các chủ đầu tư san lấp kênh rạch trên toàn thành phố. Vì theo báo cáo giám sát của HĐND TP thì việc này gây ảnh hưởng đến tình trạng ngập của thành phố”.
Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc chất vấn tại hội trường |
Giải cứu khu Nam Sài Gòn
Cũng tại phiên kỳ họp, các đại biểu phản ánh nhiều tình trạng kẹt xe đang có dấu hiệu tăng mạnh tại các khu vực vùng ven, đặc biệt là khu Nam Sài Gòn. Trong khi đó, các công trình giao thông trọng điểm tại các khu vực quận 7, 8, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh... hầu như rất chậm.
Trả lời đại biểu, ông Trần Quang Lâm cho biết Sở GTVT có 1 phần mềm mô phỏng tình hình giao thông thành phố, mô phỏng này dự báo 2 khu vực đang có dấu hiệu giao thông xấu đi là các tuyến lưu thông về phía Nam và phía cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Giao thông 2 khu vực này sẽ vượt ngưỡng cho phép vào năm 2021. Ông cho biết: "Dù tuyến Metro số 1 đi vào khai thác thì giao thông phía Nam vẫn tiếp tục khó khăn. Đây là dự báo có cơ sở khoa học”.
Trước tình hình đó, ông cho biết thành phố đang ưu tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông ở khu vực này, đầu tư mở rộng các tuyến đường ở cụm sân bay Tân Sơn Nhất; các dự án giao thông kết nối cảng Cát Lái (quận 2); nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đang ở giai đoạn duyệt thiết kế; cuối năm 2019 sẽ khởi công 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh; đường Huỳnh Tấn Phát đã nâng cấp một đoạn, đoạn còn lại tháng 12 sẽ khởi công...
Theo ông Trần Quang Lâm, biện pháp căn cơ cho bài toán giao thông vẫn là phát triển giao thông công cộng và có chính sách hạn chế phương tiện cá nhân |
Theo ông Trần Quang Lâm, chương trình đột phá của thành phố đặt ra 172 dự án giao thông cần triển khai với tổng nguồn lực 393 tỷ USD. Hiện thành phố đã hoàn tất được 45 dự án, đến năm 2020 phải xong tiếp 22 dự án và 41 dự án phải hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng thừa nhận là hiện các dự án hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn về vốn đầu tư và tốc độ mở rộng không thể theo kịp tốc độ phát triển phương tiện giao thông. Do đó, ông cho rằng: “Biện pháp căn cơ vẫn là phát triển giao thông công cộng và có chính sách hạn chế phương tiện cá nhân”.