Cục diện bầu cử Tổng thống Pháp sau tranh luận trên truyền hình
4 tuần nữa sẽ chính thức diễn ra vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp (23/4). Các cuộc thăm dò dư luận thời gian qua đều cho thấy, chưa có cuộc bầu cử Tổng thống Pháp nào trong lịch sử lại diễn ra trong bầu không khí thiếu chắc chắn, thiếu sinh khí như hiện nay.
Theo một số kết quả thăm dò, nhiều khả năng bà Le Pen sẽ phải đối đầu với ông Macron - nhân vật chủ trương ủng hộ châu Âu (Ảnh: AP) |
Về tổng thể thì cuộc tranh luận trên truyền hình hôm 20/3 giữa 5 ứng cử viên hàng đầu trong bầu cử Tổng thống Pháp khá gây thất vọng cả về nội dung lẫn không khí tranh luận.
Trước hết phải nhận thấy rằng cuộc tranh luận hôm 20/3 giữa 5 ứng cử viên hàng đầu của cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp là một sự kiện nặng về chiến thuật hơn là về nội dung.
Thứ nhất, đó là về nội dung tranh cử thì tất cả các ứng cử viên đều đã công bố từ trước đó khá lâu rồi nên khi đến với cuộc tranh luận trên truyền hình này thì có thể nói không ứng cử viên nào đưa ra thêm các chi tiết mới trong chiến lược vận động tranh cử. Trọng tâm của cuộc tranh luận là tấn công đối thủ và bảo vệ đường lối của mình nhằm thuyết phục cử tri.
Sự khác biệt giữa các ứng cử viên ũng đã được thể hiện rõ ràng từ trước đó. Bà Marine Le Pen của đảng Mặt trận quốc gia thì chủ trương theo đuổi các chính sách khép kín và bài ngoại, như muốn rút khỏi liên minh châu Âu (EU), kiểm soát gắt gao dân nhập cư và các cộng đồng Hồi giáo.
Ông Francois Fillon của đảng cánh hữu “Những người cộng hoà” thì muốn duy trì đường lối cánh hữu cổ điển là tự do bảo thủ, như cắt giảm đến 500.000 công chức.
Ông Emmanuel Macron, ứng cử viên tự do của phong trào “Tiến bước” thì lại cổ vũ các chính sách kinh tế mở, ủng hộ tự do thương mại và đề cao vai trò của Liên minh châu Âu.
Hai ứng cử viên bên cánh tả là các ông Benoit Hamon của đảng Xã hội và ông Jean-Luc Melenchon của đảng “Nước Pháp bất khuất” thì có các quan điểm gần như giống nhau về nhiều chủ đề quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực an sinh xã hội. Chẳng hạn, ông Hamon muốn giảm giờ làm xuống còn 32 giờ/tuần và thực thi chính sách thu nhập phổ quát, trong khi ông Melenchon thì lại nhấn mạnh đến “cuộc cách mạng công dân”, theo đó nước Pháp cần một sự thay đổi xã hội và thể chế triệt để.
Ai “được” nhiều nhất ?
Tuy không có ứng cử viên nào có màn thể hiện nổi bật so với các đối thủ nhưng do mỗi ứng cử viên khi bước vào cuộc tranh luận này đều đặt ra các mục tiêu cho riêng mình nên cũng có thể nhận định được rằng người nào “được” nhiều hơn và người nào “mất” nhiều hơn, tức là người nào đạt được mục tiêu của mình tốt hơn. Theo các cuộc thăm dò dư luận ngay sau cuộc tranh luận, như cuộc thăm dò của Elabe dành cho đài BFMTV hay OpinionWay cho báo Le Point, thì ứng cử viên Emmanuel Macron của phong trào “Tiến bước” được xem là được nhiều nhất.
Cả hai cuộc thăm dò đều cho kết quả là ông Macron được các cử tri đánh giá là “thuyết phục” nhất với các mức 29% và 24%. 3 ứng cử viên Marine Le Pen, Francois Fillon và Jean-Luc Melenchon gần như tương đương nhau ở các mức 19-20%. Ông Benoit Hamon của đảng Xã hội xếp cuối trong cả hai cuộc thăm dò, bị xem là “thua” nhiều nhất. Ngoài ra, ông Emmanuel Macron còn dẫn đầu và thăng tiến trong các chỉ số quan trọng khác, ví dụ như có thêm 29% cử tri có ấn tượng tốt hơn với ông Macron sau cuộc tranh luận hay 62% cho rằng ông có phong thái Tổng thống.
Vì vậy, có thể nói là tuy thể hiện rất thận trọng và không phải nổi bật nhưng ông Macron là người thắng nhiều nhất sau cuộc tranh luận này còn ông Benoit Hamon là người thua nhiều nhất. Tuy nhiên, đây mới chỉ là cuộc tranh luận đầu tiên, từ giờ cho đến ngày 23/4 sẽ còn nhiều cuộc tranh luận khác và tỷ lệ ủng hộ các ứng cử viên có thể sẽ có nhiều thay đổi.
Tổng thể cuộc tranh luận gây thất vọng cho cử tri.
Như nhận xét chung của dư luận Pháp và giới phân tích thì về tổng thể thì cuộc tranh luận trên truyền hình hôm 20/3 giữa 5 ứng cử viên hàng đầu trong bầu cử Tổng thống Pháp khá gây thất vọng cả về nội dung lẫn không khí tranh luận. Vì thế, rất khó có những thay đổi có tính chất đột phá xảy ra trong nhận định của các cử tri Pháp trong thời gian ngắn trước mắt.
Các cuộc thăm dò dư luận thời gian qua đều cho thấy là chưa có cuộc bầu cử Tổng thống Pháp nào trong lịch sử lại diễn ra trong bầu không khí thiếu chắc chắn, thiếu sinh khí như hiện nay. Gần 1/3 cử tri Pháp cho biết chưa quyết định có đi bỏ phiếu không và gần ½ cho biết chưa lựa chọn được ứng cử viên nào để ủng hộ.
Nguyên do là vì đã có quá nhiều xáo trộn trong nền chính trị Pháp thời gian qua, từ sự suy yếu và chia rẽ của các đảng phái lớn truyền thống như đảng “Những người cộng hoà” bên cánh hữu hay đảng Xã hội bên cánh tả khiến đại bộ phận cử tri Pháp, vốn là ủng hộ viên của các đảng này, thất vọng và bị mất phương hướng. Ngoài ra, sự thăng tiến của các ứng cử viên khác như bà Marine Le Pen của đảng cực hữu hay ông Macron là ứng cử viên tự do… cũng khiến bức tranh chính trị Pháp bị tác động mạnh. Cuối cùng, việc cho đến sát ngày bầu cử mà các ứng cử viên hàng đầu như bà Marine Le Pen và ông Francois Fillon vẫn bị dính vào các scandal tiền bạc và bị pháp luật điều tra… khiến không chỉ hình ảnh cá nhân của các ứng cử viên này xấu đi rất nhiều mà còn làm xấu xí cả cuộc bầu cử vốn dĩ là quan trọng bậc nhất trong nền chính trị Pháp.
Các cử tri Pháp thật sự đang chán nản với cuộc bầu cử Tổng thống lần này và một cuộc tranh luận trên truyền hình gây thất vọng như vừa qua sẽ khó có thể làm thay đổi bầu không khí này trong thời gian trước mắt.
Những thay đổi cục diện sau cuộc tranh luận
Nhìn từ nội dung tranh luận cho đến kết quả các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện sau cuộc tranh luận thì có một vài thay đổi đáng chú ý trong tương quan lực lượng giữa các ứng cử viên.
Đầu tiên, đó là sự thăng tiến đều đặn của ông Emmanuel Macron từ trước và sau cuộc tranh luận vẫn được duy trì và sau một thời gian bị xếp là ứng cử viên số 2 trong vòng 1 cuộc bầu cử, sau bà Marine Le Pen, ông Macron đang san bằng khoảng cách và thậm chí vượt lên trên bà Le Pen để trở thành ứng cử viên hàng đầu ngay từ vòng 1. Thay đổi thứ hai, là trong cuộc đọ sức giữa 2 ứng cử viên cùng bên cánh tả là ông Benoit Hamon và ông Jean-Luc Melenchon.
Từ chỗ được xem là ứng cử viên số 4, sau bà Le Pen, ông Macron, ông Fillon thì ứng cử viên của đảng Xã hội Benoit Hamon đang có dấu hiệu bị bỏ lại, không chỉ bị gia tăng khoảng cách với các đối thủ phía trên mà còn có nguy cơ bị ông Melenchon qua mặt. Hiện tại thì đó là dấu hiệu rất xấu cho thấy cánh tả truyền thống mà đảng Xã hội vốn luôn là đại diện mạnh nhất, đang bị chia rẽ và suy yếu đến mức nào. Nếu xu hướng này tiếp tục thì có thể ông Macron sẽ lại được tiếp thêm sự ủng hộ từ các cử tri cánh tả vốn đang rất thất vọng.
Như vậy, về tổng thể thì kịch bản của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang dần có sự thay đổi khi ông Macron đang thể hiện như ứng cử viên hàng đầu ngay từ vòng 1 chứ không phải là bà Marine Le Pen./.