“Cô giáo lạnh lùng”: Từng có học sinh, giáo viên phản ánh
Thầy Bùi Minh Bình - hiệu trưởng nhà trường cho hay, cô giáo mà học sinh phản ánh là cô M.C, sau khi biết thông tin qua báo chí, lãnh đạo trường đã xuống lớp, ghi nhận ý kiến của học sinh về cách dạy, cách giao tiếp của cô C.
Cô C. dạy Toán ở Trường THPT Long Thới từ năm 2000 - 2005, sau đó cô chuyển sang dạy một trường khác, đến năm 2012 thì quay lại trường. Cô dạy khối 10 và 11, về chuyên môn, đánh giá chung cô C. dạy tốt.
Thầy Bình cho biết lãnh đạo nhà trường cũng đã từng nghe học sinh và cả giáo viên từng phản ánh cô C. nghiêm khắc với học sinh, thiếu cởi mở, vui vẻ với các em học sinh nên thường làm cho tiết học trở nên căng thẳng.
Học sinh TPHCM trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo ngành giáo dục diễn ra ngày 23/3/2018. |
Trong trường hợp cô C. đúng như học sinh phản ánh, theo thầy Bùi Minh Bình, thì hiệu trưởng chính là người chịu trách nhiệm đầu tiên.
Được biết, trong ngày hôm nay 27/3, lãnh đạo nhà trường sẽ làm việc với cô C., và sẽ báo cáo nhanh lên Sở GD-ĐT về phản ánh của học sinh trong buổi đối thoại vừa qua.
Trước đó, trong chương trình gặp gỡ với lãnh đạo ngành giáo dục diễn ra vào ngày 23/3, em Phan Song Toàn, học sinh Trường THPT Long Thới đã bật khóc khi chia sẻ về một cô giáo bộ môn lên lớp chỉ viết bài, không hề nói chuyện một lời nào... với học sinh.
Việc này đã kéo dài hơn một học kỳ, học sinh trong lớp phải tự học bài, tự làm bài... không có giao tiếp nào cả. Học sinh đều sợ, bản thân em Toàn cũng sợ, chỉ mong được cô dạy dỗ, giao tiếp bình thường. Toàn cũng cho biết, cô giáo chủ nhiệm lớp biết sự việc này và có tìm cách giải quyết nhưng dường như cố gắng của cô không có kết quả.
Chương trình gặp gỡ lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM với học sinh do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức liên tiếp nhiều năm nay nhắm tạo điều kiện để học sinh chia sẻ, nói lên những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề mà các em quan tâm trong giáo dục.
Ở đây, có nhiều vấn đề "nhạy cảm" ở trường học được các em chia sẻ, bộc bạch nỗi lòng. Điều này đòi hỏi việc giải quyết, xử lý vấn đề của các nhà quản lý cần hết sức tâm lý, nhẹ nhàng, thậm chí là kín đáo. Điều này nhằm bảo vệ học sinh, tránh cho các em những tổn thương, hoảng sợ khi nói lên ý kiến của mình.