TP.HCM đề xuất các phương án cho học sinh đi học lại, sớm nhất từ 2/3
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN) |
Tối 25/2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Thành phố Hồ Chí Minh đã họp với các Sở, ngành và 24 quận, huyện liên quan đến công tác triển khai phòng chống dịch COVID-19.
Đề xuất các phương án cho học sinh đi học lại
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1,7 triệu học sinh các cấp. Mặc dù trong thời gian nghỉ học, Sở đã chỉ đạo nhà trường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đến tận giáo viên, học sinh, phụ huynh; giao bài tập về nhà, tổ chức dạy học trực tuyến, tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời.
Việc dạy học trực tuyến hiện nay vẫn chưa thay thế được dạy học đại trà và không thể kéo dài thời gian nghỉ học đối với khối lớp 12.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cũng cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều ở phụ huynh trong việc cho trẻ đi học trở lại trong tháng 3/2020. Học sinh mầm non, tư thục không ảnh hưởng nhiều, nhưng phụ huynh bị ảnh hưởng.
Thậm chí, một số phụ huynh còn dự định sẽ bảo lưu kết quả năm học để đảm bảo an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, các trường ngoại ngữ, quốc tế sẽ gặp khó khăn với việc đăng ký các kỳ thi chứng chỉ...
Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn điều chỉnh thời gian học và ngành cũng có thể tổ chức dạy bù. Hiện tại, lịch thi Trung học phổ thông quốc gia đã chốt, do đó không thể kéo dài thời gian nghỉ. Vì vậy, cần có kịch bản thực tế phòng, chống dịch an toàn khi đưa học sinh trở lại trường.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn đề xuất điều chỉnh thời gian nhập học. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN) |
Trước tình hình đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đề xuất thời gian học sinh nhập học như sau. Đối với trẻ mầm non nghỉ đến hết ngày 15/3. Ngày 16/3, trẻ lớp lá đi học lại nhưng không ăn sáng, các lớp khác sẽ có thông báo sau.
Khối Tiểu học sẽ nghỉ đến hết 15/3, ngày 16/3, học sinh lớp 5 nhập học, nhưng không tổ chức bán trú. Thời gian đi học lại của các lớp khác tùy thuộc tình dịch bệnh và có thông báo sau.
Đối với khối Trung học cơ sở, học sinh lớp 9 đi học kể từ ngày 2/3 nhưng không tổ chức bán trú; ngày 16/3 các lớp khác đi học bình thường. Tương tự với bậc Trung học phổ thông, học sinh lớp 12 sẽ đến trường từ ngày 2/3, nhưng chỉ học một buổi; ngày 16/3 các lớp còn lại đi học bình thường.
Các trường Đại học, Cao đẳng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn Thành phố thực hiện theo cơ chế tự chủ. Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm, trung tâm giáo dục kỹ năng sống... hoạt động trở lại từ ngày 16/3.
Thực tế khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố tại các trường Cao đẳng, Trung cấp, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở khác cũng cho thấy, có tới 43,3% đơn vị đề xuất đi học lại từ ngày 2/3; 29,2% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đề xuất đi học lại từ 16/3; còn lại 27,5% đề xuất nghỉ đến hết tháng 3, đến trường từ ngày 1/4.
Do chương trình đào tạo và tuyển sinh của các trường Cao đẳng, Trung cấp được tổ chức thường xuyên trong cả năm, việc cho sinh viên, học sinh nghỉ tiếp đến hết tháng 3 không ảnh hưởng đến việc dạy và học.
Toàn Thành phố có gần 136.000 học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gần 11.400 người là giáo viên, người lao động của các cơ sở này. Trong số đó, 859 người đã đi qua vùng có dịch (chiếm 0,6%).
Hiện 100% các đơn vị giáo dục nghề nghiệp đã tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ khuôn viên theo chỉ đạo của Thành phố.
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương không được phép lơ là và chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Phải tăng cường kiểm tra giám sát các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch theo đề xuất của các ngành chuyên môn; cần thiết phải trang bị các thiết bị y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đối với các trường hợp cần cách ly, Sở Y tế nên đưa vào bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính đã triển khai, để tránh lây lan ra cộng đồng. Đối với các quận, huyện có nhiều chung cư cao tầng và người nước ngoài sinh sống, đặc biệt là những người có mối quan hệ với vùng dịch thì phải giám sát thường xuyên theo từng vụ việc cụ thể.
Tại cuộc họp, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng thống nhất chủ trương hoãn tất cả các lễ hội, các hoạt động tập trung đông người trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát; đồng thời yêu cầu Sở Du lịch Thành phố có báo cáo cụ thể tình hình ảnh hưởng của dịch đến ngành để kịp thời đề xuất hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Liên quan đến thời gian nhập học sẽ tùy thuộc vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp thường trực Chính phủ cuối tháng 2/2020, cũng như dựa trên tình hình dịch COVID-19 diễn biến trên địa bàn. Khi đó, thành phố sẽ triển khai các phương án như đã chuẩn bị.
Trường hợp, Chính phủ quyết định cho học sinh đi học vào ngày 2/3, thành phố sẽ thực hiện theo lộ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo vừa đề xuất. Nếu học sinh được nghỉ học hết tháng 3/2020 thì thành phố cũng có kế hoạch như trước đó đã kiến nghị.
Tạm dừng cấp phép mới đối với lao động đến từ vùng dịch
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, tính đến 17 giờ, ngày 24/2/2020, tổng số lao động Hàn Quốc được cấp giấy phép lao động trên địa bàn là 4.626 người, làm việc tại 2.030 doanh nghiệp.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động và Thương binh xã hội thành phố kiến nghị tạm thời dừng cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài đến từ vùng dịch. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN) |
Riêng trong tháng 12/2019, số lao động Hàn Quốc đến làm việc tại thành phố là 279 người; tháng 1, 2/2020 là 406 người. Dự kiến, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động Hàn Quốc trong tháng 3, 4, 5/2020 là 480 người.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 2.399 lao động Trung Quốc được cấp giấy phép lao động, làm việc tại 741 doanh nghiệp; 3.672 lao động Nhật Bản làm việc tại 1.586 doanh nghiệp; 1.794 lao động Đài Loan (Trung Quốc) làm việc tại 541 doanh nghiệp...
Hiện số lao động đến từ vùng dịch là 4.815 người ở 612 doanh nghiệp; trong đó có 1.116 trường hợp đã được cách ly và quay trở lại làm việc bình thường.
Do vậy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị tạm thời dừng cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài đến từ vùng dịch tỉnh Daegu, Gyeongsang (Hàn Quốc).
Đối với người lao động quốc tịch Hàn Quốc còn lại đã được cấp giấy phép lao động, về nước trở lại Việt Nam làm việc đề nghị kiểm tra dịch tễ trước khi nhập cảnh.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, số lượng lao động từ các vùng dịch ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đến sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn. Chưa kể, lượng khách du lịch đến Thành phố từ các quốc gia này cũng rất đông. Nếu không triển khai các giải pháp giám sát chặt chẽ thì nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn rất cao.
Do vậy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý với đề nghị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố trong việc tạm thời ngừng cấp giấy phép mới đối với lao động nước ngoài đến từ vùng dịch.
Trường hợp đã cấp phép thì khi người lao động trở lại Việt Nam làm việc thì phải tăng cường kiểm tra và thực hiện cách ly chặt chẽ./.