Chuyện những bác sĩ làm công việc se duyên cho bệnh nhân nhiễm HIV
Đó là lời chia sẻ của bác sĩ Trần Đức Phú, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đắk Nông, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc se duyên cho những cặp đôi nhiễm H. Nhưng hỏi ra mới biết, tại Trung tâm này, ngoài công việc chuyên môn, các ý bác sĩ ở đây ai cũng từng là “ông tơ bà nguyệt”, tác hợp cho nhiều hoàn cảnh đến với nhau.
Bác sĩ Phú và nhiều y bác sĩ khác từng se duyên cho các cặp đôi nhiễm H đến với nhau |
Bác sĩ Phú được mọi người gọi bằng cái tên thân mật Phusida (Phú si đa), một trong những người đầu tiên về trung tâm cũng là người đầu tiên nảy ra ý tưởng se duyên cho những người nhiễm H.
Anh bộc bạch: “Ai mang trong mình án tử vô hình đều rơi vào trạng thái hoang mang, chán nản thậm chí là tuyệt vọng, muốn tự tử. Bệnh nhân đến đây không chỉ nhiễm H mà họ còn chịu gánh nặng về tâm lý, sống khép mình và tự dằn vặt bản thân, đặc biệt là những người trẻ, chưa lập gia đình. Vì vậy Trung tâm không chỉ là nơi khám, điều trị và cấp phát thuốc mà còn là nơi tư vấn tâm lý cho những bệnh nhân này”.
Từ "mai mối"...
Từ ngày làm công việc điều trị H cho các bệnh nhân đến nay, bác sĩ Phú đã có thành tích mai mối cho hơn 50 cặp. Mỗi cặp là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ấn tượng nhất đối với anh là vợ chồng chị N.T.X và anh N.V.H (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức). Cả hai đến với nhau khi đã trải qua một cuộc hôn nhân, người thì nhiễm HIV từ chồng, người thì bị vợ lây nên họ đến với nhau không chỉ bằng tình yêu mà còn bằng sự thông cảm đồng cảnh ngộ.
Nói đoạn, anh Phú lấy từ trong túi ra chiếc điện thoại có lưu giữ hình ảnh gia đình chị X., anh cho biết, cuộc hôn nhân này không chỉ mình anh ủng hộ mà toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế của trung tâm ra sức vun đắp. Vì vậy thời gian đầu, trung tâm cũng chính là nơi “hò hẹn” của cả hai người, mỗi tháng họ hẹn nhau lên đây lấy thuốc rồi nhân cơ hội đó gặp mặt, trò chuyện.
“Để cho hai người chính thức gặp mặt, trước đó chúng tôi đã tư vấn tâm lý và đả thông tư tưởng cho cả hai. Ban đầu chỉ là những cuộc nói chuyện xã giao tại trung tâm, nhưng trải qua một thời gian dài, số lần tiếp xúc cũng tăng lên. Hiểu được hoàn cảnh của nhau, có lối suy nghĩ tích cực nên cả hai anh chị ấy quyết định tiến tới hôn nhân. Bây giờ ngoài hai người con riêng, họ có thêm một bé trai hoàn toàn khỏe mạnh”, y sĩ Võ Thị Hằng, phòng khám chuyên khoa HIV cho hay.
Nhiều năm nay Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS còn là nơi “hò hẹn” của những bệnh nhân nhiễm H |
Theo những y bác sĩ đang làm việc tại trung tâm này, phần lớn người bệnh đều khát khao tình yêu và có nhu cầu ân ái như những người bình thường khác, nhiều người mong muốn trở thành cha, thành mẹ nhưng căn bệnh thế kỷ chính là rào cản lớn nhất của họ. Những lúc như thế, ngoài việc trò chuyện để họ hiểu rõ về căn bệnh của mình, các y bác sĩ còn trực tiếp đi tìm những đối tượng phù hợp để ghép đôi.
Không chỉ góp phần đưa những số phận bất hạnh đến với nhau, cho họ trải nghiệm tình yêu mà nhiều y bác sĩ của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS còn trở thành người gỡ rối, hòa giải cho những cuộc hôn nhân có nguy cơ tan vỡ.
... đến hàn gắn hạnh phúc gia đình
Bác sỹ Ndong Brưm, Phó giám đốc trung tâm, kể lại câu chuyện mà ông bảo, có lẽ cả cuộc đời này ông không thể quên. Đó là một buổi chiều mưa cuối tháng 8 cách đây gần chục năm, một người phụ nữ tên P.T.P (huyện Đắk Song) trạc tuổi 30 tìm đến trung tâm với hai con mắt đỏ hoe, thân hình xơ xác không còn sức sống.
Ngày đó, ông còn làm tại phòng khám, nghe người phụ nữ này tâm sự, ông mới biết chồng chị nghiện hút, rồi nhiễm HIV từ bạn bè. Anh này lại không hề thông báo với vợ trong suốt thời gian bị bệnh, chỉ đến lúc chị P. xét nghiệm máu để chuẩn bị sinh, mọi người trong gia đình mới vỡ lẽ.
“Ngày sinh con, cũng chính là ngày cô ấy nhận án tử, tinh thần hoảng loạn, tuyệt vọng lắm. Rất may cháu bé sinh ra không nhiễm HIV nên cô ấy được an ủi phần nào” bác sĩ Brưm nhớ lại.
Vị bác sĩ rơm rớm nước mắt, kể tiếp câu chuyện của gia đình người phụ nữ này. Thời điểm P. đến trung tâm cũng là lúc căn bệnh của cô ấy chuyển nặng, cơ quan sinh dục bị viêm nhiễm nghiêm trọng. Trong lòng cô ấy lại chất chứa mối hận thù sâu sắc, cứ mỗi lần nhắc đến chồng là hai mắt của P. đầy vẻ giận giữ, phẫn uất.
Nhưng mỗi lần tâm sự, các bác sĩ tại trung tâm lại khuyên cô ấy chấp nhận chồng, cùng đồng hành với anh ta trong việc điều trị bệnh, cùng nhau nuôi dạy đứa con. Trớ trêu thay, ngày P. thay đổi thái độ sống với chồng, yêu thương anh ta trở lại, cũng là lúc anh ta rời bỏ cuộc đời.
“Cô ấy đau khổ, tự dày vò bản thân vì những tháng ngày hắt hủi, trách móc, thù hận anh ta. Rồi một vài tháng sau, cô ấy cũng đi theo chồng, bỏ lại đứa con nhỏ dại, chưa một lần cất tiếng gọi mẹ”.
Theo chia sẻ của Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Ndong Brưm, từ khi thành lập năm 2011, ngoài việc khám, điều trị cho bệnh nhân HIV, trung tâm còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm, tạo điều kiện cho các bệnh nhân gặp gỡ với nhau, tạo cơ hội để họ tìm hiểu nhau trước khi đi đến hôn nhân. Riêng đối với các cán bộ trung tâm, hàng tháng mọi người đều trích một ít tiền lương, ủng hộ vào quỹ nội bộ, mỗi khi có cặp bệnh nhân nào nên duyên vợ chồng, trung tâm sẽ trích quỹ để giúp đỡ họ bắt đầu cuộc sống mới.