Chuyện hậu trường thú vị của phim “Của để dành” bây giờ mới kể
MC Thành Trung chia sẻ rằng, cả tuần nay, đọc trang báo nào cũng thấy có những bài viết về bộ phim “Phía trước là bầu trời” đã phát sóng cách đây 17 năm. Thậm chí, có nhiều người còn rủ nhau xem lại bộ phim này rồi so sánh với phim truyền hình “Xin hãy tin em” phát sóng năm 1997 khiến anh trở về với “ngồn ngộn” kỷ niệm.
“Phải nói thật, những cái tên kể trên là những “siêu phẩm” phim truyền hình vào thời điểm đó. Điều đặc biệt là đến bây giờ, những tình tiết phim, tính cách nhân vật và cả câu chuyện đặt ra trong phim vẫn còn nguyên vẹn giá trị với cuộc sống. Nhiều người không biết rằng, người đứng đằng sau những “siêu phẩm” ấy thời điểm đó còn rất trẻ. Khi bắt tay làm “Xin hãy tin em”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải mới 24 tuổi và làm “Phía trước là bầu trời” anh ấy tròn 28 tuổi.
"Của để dành" được xem là bộ phim nói về tình mẫu tử gây "thương nhớ" đối với các thế hệ khán giả 7x, 8x... |
Bên cạnh hai bộ phim ở trên còn có một bộ phim để lại nhiều ý nghĩa và ám ảnh sâu sắc nữa mà các bạn trẻ nên “đào mộ” để xem lại đó là “Của để dành” phát sóng năm 2000. Còn nhớ, khi đó tôi vẫn đang học cấp 2, cấp 3 và không bỏ qua bất kỳ một tập nào những bộ phim tuyệt vời trên”, MC Thành Trung bày tỏ.
Thực tế, dù ra đời sau “Xin hãy tin em” nhưng “Của để dành” mới là bộ phim làm nên tên tuổi của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Đây là phim chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, thuộc thể loại tâm lý – tình cảm. Phim có độ dài 6 tập và sau khi lên sóng VTV đã gây nên một cơn địa chấn nhỏ trong lĩnh vực phim truyền hình Việt Nam thời bấy giờ. Khán giả hâm mộ phim bởi nội dung rất đỗi bình dị và câu chuyện nhân văn chảy xuyên suốt bộ phim.
Phim xoay quanh bà Vi (NSƯT Hoàng Yến đảm vai) và ba người con của bà là Thanh (NSND Anh Tú), Tiến (Hồng Tuấn) và Thư (Thu Hường). Sau một cú tai nạn, bà Vi nằm liệt giường nhưng cả ba người con vốn trước đó chỉ quen nhận sự chăm sóc một chiều từ mẹ lại không thể chăm lo cho mẹ mình vì mải mê với sự nghiệp. Họ quyết định tìm người giúp việc cho mẹ. Cả 3 người giúp việc đến rồi đi, bà Vi vẫn bị lạc lõng, bị bỏ rơi giữa những người con.
Cảnh trong phim "Của để dành". |
Rồi một ngày bà bỏ nhà đi để lại cho con cái bài học về tình mẫu tử: Thương yêu và báo hiếu cha mẹ không phải là vật chất mà là sự quan tâm, chăm sóc tận tình của con với bậc sinh thành lúc tuổi già.
“Của để dành” giúp khán giả nhà vốn không thích xem phim truyền hình Việt cũng phải nhìn nhận lại. Họ cùng cười, cùng khóc với nhân vật. Không ít khán giả thậm chí bày tỏ rằng họ đã xem đi xem lại bộ phim mà vẫn không thấy chán.
Theo tìm hiểu, nhân vật bà Vi lúc đầu được đạo diễn Đỗ Thanh Hải “nhắm” đến NSƯT Ngọc Thoa. Tuy nhiên, thời điểm đó sức khỏe của NSƯT Dương Viết Bát - chồng NSƯT Ngọc Thoa đang tính “bằng ngày bằng tháng” nên bà buộc phải từ chối vai diễn để ở nhà chăm sóc chồng. Sau đó mời đạo diễn Đỗ Thanh Hải mời NSƯT Hoàng Yến đảm nhận vai này dù lúc đó tuổi của bà cũng đá khá cao.
NSƯT Hoàng Yến chia sẻ rằng, dù nhiều năm nay bà không còn tham gia phim ảnh vì tuổi cao sức yếu nhưng cứ mỗi lần nhắc đến “Của để dành” bà lại không kìm được cảm xúc. Đặc biệt, mỗi khi ra đường, khán giả vẫn còn nhận ra bà, gọi tên bà là bà Vi một cách đầy trìu mến và thắm thiết khiến bà càng yêu mến bộ phim hơn.
NSƯT Hoàng Yến ngày đó - bây giờ. Ảnh: TL. |
“Lúc bấy giờ, ê-kíp chúng tôi làm bộ phim này vui lắm. Các diễn viên tham gia phim đều diễn rất tốt nên vai nào ra vai đó. Thời đó, cô bé Hương Mai đóng vai Luyến (giúp việc) bé lắm. Tôi yêu cô bé này lắm vì nó rất hiền lành, chịu khó... Tôi nhớ cái cảnh bé Luyến ngồi trên một chiếc ghế nhỏ, trước ngọn đèn dầu, trùm khăn lên đầu để nói chuyện với mẹ của mình mà chảy cả nước mắt. Dù cảnh đó máy quay cận cảnh cháu nhưng tôi ngồi theo dõi cũng không kìm được nước mắt. Thời đó, đạo diễn Đỗ Thanh Hải còn trẻ nhưng nhanh nhạy và giỏi giang lắm”, NSƯT Hoàng Yến tâm sự.
Trong phim, vai Thư (con gái bà Vi) do diễn viên Thu Hường đảm vai có lẽ là vai khiến nhiều người ghét nhất bởi nhân vật này rất ghê gớm, đành hanh, đỏng đảnh và ngang bướng. Thời điểm đó, Thu Hường đang là sinh viên năm cuối Đại học Sân khấu - Điện ảnh nhưng cô nhập vai đạt tới mức bị nhiều khán giả ghét lây sau khi phim lên sóng. Từ vai diễn này, nữ nữ diễn viên cũng trở nên quen thuộc với dạng vai đanh đá, ghê gớm trên màn ảnh.
Cho đến sau này, dù phim đã phát sóng nhiều năm nhưng khi đi ra ngoài đường nhiều người vẫn nhận ra nữ diễn viên. Thậm chí có một số khán giả vẫn còn ghét tới mức nói thẳng trước mặt chị: “Ôi, bà đó ghê gớm lắm, thôi đừng dây vào”. Nữ diễn viên tự nhận thấy khuôn mặt mình có nhiều nét để đóng nhân vật sắc sảo nhưng thực chất chị chưa bao giờ là người sắc sảo trong cuộc sống. Từng u buồn vì tình duyên lỡ dở nhưng không muốn cưới bừa người mình không yêu nên dù đã bước qua tuổi 42 nhưng nữ diễn viên vẫn chưa lập gia đình.
Bé Luyến trong "Của để dành" bây giờ đã là một cô giáo dạy thanh nhạc và đã làm mẹ, làm vợ. |
Nói về vai bé Luyến trong phim, Hương Mai cho biết, nhạc sĩ Xuân Phương – bố cô chính là người được mời viết nhạc cho phim. Và trong quá trình trao đổi, đạo diễn có chia sẻ ý muốn tìm một cô bé đóng vai Luyến. Các tiêu chí của phim đưa ra vừa phù hợp với cô nên bố cô đồng ý cho nhận vai.
Trước mỗi cảnh quay, cô cùng mẹ ngồi đọc kịch bản và mẹ cô (từng tốt nghiệp trường Nghệ thuật Hà Nội) là người đã chỉ cho cô nên diễn thế xuất nào với từng cảnh. Nhờ thế mà các cảnh của Hương Mai trong phim không phải quay đi quay lại nhiều.
“Tôi nhớ buổi tối quay cảnh Luyến ngồi trên ghế nói chuyện với mẹ trời rất nóng. Cảnh quay với cây nến ở xa không hề có quạt, phòng đóng kín, nên rất bí, còn tôi phải tập trung cao độ. Khán giả xem phim có thể thấy đoạn đó ngắn nhưng tôi phải làm đi làm lại đến khuya mới xong. Cảnh khó vì phải thể hiện bằng ánh mắt, cử chỉ.
Ngoài ra, còn cảnh lúc Luyến chia tay bà Vi, đạo diễn sợ tôi không khóc được nhưng bấm máy là tôi khóc, khóc đến 30 phút sau vẫn chưa dừng, cuối cùng mọi người phải xúm vào dỗ. Đó là hai cảnh tôi nhớ nhất”, Hương Mai nhớ lại.
Nhạc sĩ Xuân Phương cũng cho biết, để viết nên được ca khúc nhạc phim “Của để dành”, anh và đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã phải lùng sục “nát” các nhà sách Tràng Tiền tìm một bài thơ có nội dung phù hợp để phổ nhạc. Rất may, sau nhiều buổi “đỏ mắt” tìm kiếm, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã tìm được bài thơ “Lời ru cho con” của nhà thơ Lê Thị Kiều Anh đưa cho anh phổ nhạc. Không nhờ, cho đến bây giờ, bài hát vẫn còn rất nhiều người yêu thích và xúc động.