Đổ tiền theo rượu, rước bệnh vào thân

Bệnh nhân T. V. L. 47 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội làm thợ xây tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc được đưa vào Trung tâm chống độc từ giữa tháng 1/2018 trong tình trạng suy thận cấp, xơ gan, tiền sử đái tháo đường. Đến nay, sau 17 ngày điều trị, bệnh nhân đã tiêu tốn hơn 40 triệu đồng, trong khi đó tình trạng xơ gan do rượu vẫn rất nặng nề.

chuyen gia canh bao hang loat benh nhan xo gan thung da day vi ruou
Một bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải

Chị L.T. H, vợ của bệnh nhân cho biết bệnh nhân nghiện rượu hơn 10 năm nay. Ngày nào cũng như ngày nào anh L. uống khoảng nửa lít rượu, cả trưa và tối. Dù vợ con can ngăn nhưng không nghe, thậm chí còn chửi mắng đánh đập nên không dám khuyên nữa.

Bệnh nhân khác, anh P. (46 tuổi ở TP Vinh, Nghệ An) nhập viện sau một trận rượu vì phấn khích trước chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị viêm tụy, viêm gan do rượu.

Trước đó năm 2010 bệnh nhân này cũng đã từng một lần nhập viện cấp cứu do thủng tâm vị dạ dày sau một tuần liên tục uống nhiều loại rượu khác nhau. Bệnh nhân cũng đã nghiện rượu đến gần 20 năm nay, tuần nào cũng có vài cuộc nhậu.

Một bệnh nhân nữ 31 tuổi tại Bắc Giang, nhập viện cấp cứu tại Trung tâm chống độc BV Bạch Mai. Gia đình cho hay, sau khi uống khá nhiều rượu bệnh nhân lâm vào hôn mê, bất tỉnh do huyết áp tụt. Khi vào viện các bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị nhưng ý thức của bệnh nhân vẫn không được cải thiện.

Còn tại khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai), Bác sĩ Hoàng Nam cho biết số bệnh nhân nhập viện rất cao được chuyển đến từ khoa Cấp cứu. Các bệnh nhân chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan, viêm tụy, xơ gan… do rượu. “Có bệnh nhân vào viện đến lần thứ 13 do xuất huyết tiêu hóa mà vẫn liều lĩnh đam mê uống rượu”, BS Nam cho biết.

Điểm mặt hàng loạt bệnh do rượu

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngộ độc rượu cấp chỉ chiếm 1 – 2% số vụ ngộ độc thực phẩm mỗi năm, nhưng số người chết do rượu lại chiếm đến 7% trong các ca ngộ độc thực phẩm. Tử vong do ngộ độc rượu rất nhiều, có những gia đình sau bữa tiệc mấy người tử vong”, Bộ trưởng nói.

Ngoài nguy cơ tử vong do ngộ độc rượu cấp, Bộ trưởng Y tế cũng kể ra một loạt các bệnh mãn tính, ung thư do rượu gây ra.

“Ung thư thực quản, dạ dày, ung thư đường tiêu hóa đều liên quan đến rượu. Chưa kể các bệnh về huyết áp, đột quỵ, tâm thần… đều có nguyên nhân từ rượu. Theo thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần trung ương, tỷ lệ bệnh nhân tâm thần do rượu chiếm 5 – 6% bệnh nhân tâm thần và ngày càng có xu hướng gia tăng”.

Rượu khiến cơ thể suy sụp, tàn phế, giảm trí nhớ. Rượu vào lời ra, bạo lực trong gia đình, hành hung, chém giết, tử vong cũng từ quá chén. Rượu còn gây nhiều hệ luỵ, tác động lâu dài trên bệnh mãn tính tim mạch chuyển hoá, ung thư, tâm thần.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho rằng trong những ngày Tết, mối nguy từ rượu không chỉ vì rượu giả pha methanol, mà rượu gạo, rượu ngoại nếu uống quá nhiều cũng gây ra hàng loạt bệnh như gan, thần kinh, suy giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu xịn, uống bia không hại gan nhưng thực chất uống dù rượu bia xịn thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan.

“Người ta đã chỉ ra, rượu có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Tác động trực tiếp nhất chính là chức năng gan, với biểu hiện men gan tăng, gan nhiễm mỡ, viêm gan lâu ngày do rượu dẫn đến xơ gan, rồi biến chứng, hôn mê gan”, BS Nguyên khuyến cáo.

Vì thế chỉ nên uống lượng vừa phải. Theo WHO mỗi ngày chỉ dùng dùng 1- 2 chén rượu nhỏ, hoặc 1-2 cốc bia/ngày. Bộ trưởng Y tế cũng kêu gọi, khuyến cáo người dân chỉ sử dụng rượu có nguồn gốc, xuất xứ, lượng vừa phải. Kêu gọi nhà sản xuất có lương tâm, trách nhiệm, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng rượu, đừng vì lợi nhuận mà pha cồn vào rượu gây ra những cái chết oan uổng. Lực lượng chức năng cảnh sát môi trường, công an, quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu. Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra số mẫu, tiền xử phạt, thông báo công khai truyền thông đại chúng cơ sở vi phạm.

Bộ trưởng Kim Tiến chia sẻ, Tết đến chỉ mong vui vẻ, nhưng năm nào cũng có ca ngộ độc, tử vong đau đớn. Vì thế trong năm 2018, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ phê duyệt Luật phòng chống tác hại rượu bia. “Muốn có sức khoẻ phải sống khoẻ thể chất, trí tuệ, tinh thần, tuổi thọ phải kéo dài, chất lượng cuộc sống tốt. Tết thì phải vui, nhưng mấy năm rồi năm nào cũng báo cáo chết trong dịp lễ hội do liên quan đến rượu”, Bộ trưởng Kim Tiến nói.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, số ca nhâp viện do rượu tăng cao vào dịp trước và sau Tết, sau những liên hoan, gặp mặt triền miên. “Rượu đạt chuẩn, rượu “xịn” vẫn gây tác hại cho cơ thể đặc biệt là ảnh hưởng đến thần kinh, gan khi uống quá ngưỡng. Do đó, mọi người đều cần ý thức bảo vệ sức khỏe, uống chừng mực để không gây hại cho cơ thể".

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), giai đoạn 2013-2017, toàn quốc ghi nhận 862 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 25.000 người mắc, hơn 22.000 người đi viện và 130 người chết. Tính trung bình, mỗi năm có khoảng gần 5.000 người mắc và 26 người chết. Riêng với ngộ độc rượu, 5 năm qua, toàn quốc ghi nhận 28 vụ làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết. Điều đáng lưu ý là, số vụ ngộ độc rượu chỉ chiếm hơn 3,2%; số người mắc chiếm chưa đến 1% nhưng số người tử vong do rượu lại chiếm hơn 26% trong tổng số tử vong ngộ độc thực phẩm. Điều đó có nghĩa là, xác suất tử vong do ngộ độc rượu cao hơn rất nhiều lần so với các loại ngộ độc thực phẩm khác.