Cứu sống bệnh nhân bị chảy máu đường tiêu hóa mà không cần phẫu thuật
Bệnh nhân S. đã qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ |
Lúc 14h5’ ngày 29/3/2019, nữ bệnh nhân tên P.T.S. (72 tuổi) ở xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị, nôn ra máu đỏ bầm và đi ngoài phân đen lượng nhiều.
Người nhà bệnh nhân khai, cách nhập viện 1 giờ, bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, đau bụng trên rốn, sau đó nôn ra máu đỏ bầm lẫn thức ăn nên người nhà đưa đến khám tại Trung tâm y tế thị xã Long Mỹ. Tại đây, bệnh nhân được xử trí cấp cứu ban đầu và xét nghiệm, sau đó chuyển viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ.
Người nhà cũng khai, cách đây 10 năm, bệnh nhân có phẫu thuật thủng dạ dày, bệnh nhân bị đái tháo đường, tăng huyết áp.
Tại bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ, bệnh nhân được chẩn đoán, xuất huyết tiêu hóa nghĩ do loét tá tràng mức độ nặng, đang tiến triển. Có chỉ định nội soi dạ dày cấp cứu.
Sau khi nội soi dạ dày không tìm được vị trí chảy máu, bệnh nhân được tiến hành nội soi đại tràng. Kết qủa nội soi đại tràng cho thấy, máu đen bầm toàn bộ đại trực tràng, bơm rửa không thấy tổn thương.
Lúc 00h20’ngày 30/3/2019, bệnh viện tiến hành hội chẩn khẩn gồm các Khoa nội tiêu hóa với ê kíp can thiệp nội mạch của Khoa X Quang. E kíp can thiệp do BS CKI Trần công Khánh tiến hành chụp DSA cho thấy bệnh nhân bị chảy máu từ túi giả phình nhánh của động mạch vị tá tràng.
Nhận định tình trạng xuất huyết tiêu hóa là do giả phình mạch, tiên lượng xấu, nguy cơ đe dọa tính mạng bệnh nhân nên đã tiến can thiệp nút mạch để loại bỏ túi giả phình. Sau can thiệp dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân ổn định, không phải truyền bổ sung thêm máu, đại tiện phân không đen và ngã vàng.
Bs CK2 Bồ Kim Phương, Trưởng khoa nội Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Trước đây, với tình trạng bệnh như vậy thì phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để cấp cứu kịp thời. Nhưng hiện nay tại Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới trong đó có kỹ thuật chụp và can thiệp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) nên đã xử trí tại Bệnh viện và cứu sống bệnh nhân, hạn chế được tình trạng di chuyển bệnh nhân, giảm nguy cơ rủi ro do diễn tiến nặng của bệnh trong lúc vận chuyển bệnh nhân.
Bác sĩ phương cũng cho biết, trước đây để xử trí túi giả phình để loại trừ nguy cơ chảy máu là phẫu thuật. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu được ưu tiên hơn nhằm giảm chảy máu và tình trạng bệnh nhân không phải trải qua phẫu thuật.