Chương trình GDPT mới: Băn khoăn thừa thiếu giáo viên, cơ sở vật chất
Chương trình GDPT mới vừa công bố được kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả mới cho ngành giáo dục, giúp học sinh phát triển toàn diện các năng lực, giảm tải cho cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, vẫn có không ít lo ngại về việc thừa thiếu giáo viên khi một số môn học sinh được tự chọn và tích hợp liên môn cũng như làm sao để đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình mới.
Cô Bùi Thị Lan Anh, giáo viên dạy Địa lý, trường THPT Việt Đức (Hà Nội) ủng hộ việc tích hợp liên môn, bởi thực tế các môn như Địa lý, Lịch sử có nhiều nội dung tương đồng, nếu tích hợp lại, học sinh sẽ không phải nhớ quá nhiều. Cô Lan Anh lấy ví dụ, trong môn Lịch sử cũng sẽ có nhiều bài học về các vấn đề kinh tế, chính trị của các quốc gia. Ở môn Địa lý, các nội dung này được phân tích sâu hơn, như điều kiện địa lý có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Đây là điểm thuận lợi với học sinh. Nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho giáo viên trong việc thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy và trau dồi kiến thức.
Không ít ý kiến lo ngại về vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. |
“Với những sinh viên hiện đang học năm 2, vẫn kịp thay đổi, nhưng với những sinh viên sư phạm học đến năm thứ 3, thứ 4, thì việc thay đổi khó hơn nhiều. Chương trình GDPT mới vừa được công bố, như vậy, từ thế hệ học sinh sinh năm 2001 mới bắt đầu được đào tạo theo đúng quy chuẩn mới, như vậy, đến khi nào chúng ta mới có một đội ngũ giáo viên phục vụ yêu cầu giảng dạy mới trên toàn quốc?”, cô Lan Anh đặt câu hỏi.
Đặc biệt, cô Lan Anh cũng không khỏi lo ngại, khi tích hợp các môn, sẽ nảy sinh tình trạng dôi dư giáo viên. Những giáo viên này sẽ đi đâu, làm gì?
“Những giáo viên còn hơn 10 năm trong nghề như chúng tôi, có khả năng tiếp cận khoa học, công nghệ thông tin, còn có thể học hỏi để thay đổi, nhưng với những thầy cô chỉ còn 5-7 năm nữa sẽ về hưu, liệu có thay đổi được không, cần giải quyết thế nào trong khi thời gian để chuẩn bị không còn nhiều?"
Đánh giá vai trò của đội ngũ giáo viên như yếu tố then chốt trong sự phát triển giáo dục, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội cũng có cùng lo ngại về việc thời gian chuẩn bị không còn nhiều, nếu đội ngũ này không nắm bắt và theo kịp tinh thần của sách giáo khoa mới, không có sự nâng cao chất lượng quản lý trong nhà trường, thì khó để đạt được các mục tiêu đề ra.
“Khi tích hợp một số môn với nhau, ở cấp THPT, các em lại được tự chọn các môn học, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Đơn cử như việc năm nay môn học này có nhiều học sinh đăng ký, nhưng năm sau lại giảm đi, ban soạn thảo có giải thích rằng sẽ kết hợp một số giáo viên ở một số trường, nếu ở thành phố thì không có vấn đề gì, nhưng nếu ở vùng sâu, vùng xa, việc này được thực hiện ra sao, khi điều kiện đi lại hết sức khó khăn. Có quy định bao nhiêu em thì thành lập một lớp? Trường hợp môn học chỉ có vài học sinh đăng ký, thì có thành lập lớp hay không, hay học sinh lại buộc phải học môn mình không muốn chọn? Đây là bài toán không đơn giản. Hơn nữa khi giáo viên biên chế ở trường này, nhưng lại đi dạy ở các trường khác, liệu chất lượng có đảm bảo, việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp, công chức, viên chức hàng năm, lấy ý kiến các trường như thế nào?" thầy Bình đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Để chương trình mới thực sự tạo ra chất lượng mới, thầy Nguyễn Quốc Bình đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ quản lý, cụ thể là hiệu trưởng tại các trường có đáp ứng được những yêu cầu mới của giáo dục. “Xưa nay chúng ta chỉ quan tâm đến giáo viên, mà chưa quan tâm nhiều đến người quản lý, việc đào tạo, điều hành trong các nhà trường. Nếu người đứng đầu không có trình độ, chuyên môn, năng lực điều hành thì không thể đáp ứng được yêu cầu mới”.
Lo thiếu cơ sở vật chất
Để đáp ứng với yêu cầu của Chương trình GDPT mới, các trường cần phải bổ sung thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phòng học… Cụ thể: Cấp tiểu học yêu cầu các trường phải có phòng giáo dục nghệ thuật, phòng Khoa học – Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ. Cấp THCS yêu cầu các trường có các loại phòng học bộ môn tin học, công nghệ, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, giáo dục công nghệ. Cấp THPT yêu cầu có các loại phòng bộ môn Công nghệ, Nghệ thuật, Vật lý, Sinh học, Hóa học, Ngoại ngữ.
Tuy nhiên, hiện nhiều trường ở Hà Nội cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tại trường Tiểu học Hồng Sơn (Mỹ Đức – Hà Nội) hiện nay có 20 lớp học và chỉ có 18 phòng học. Thầy Nguyễn Hữu Tuấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Sơn cho biết: “Theo Chương trình GDPT mới, các trường phải đáp ứng đủ phòng học để đảm bảo tất cả học sinh học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, với số phòng học hiện nay của nhà trường không thể đáp ứng đủ yêu cầu. Hiện nhà trường cũng thiếu phòng học tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật và khu tập thể dục…”.
Trường THCS-THPT Lê Qúy Đôn (Nam Từ Liêm - Hà Nội) được đánh giá là một trường tư có chất lượng của thành phố, tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất của nhà trường cũng chưa thể đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Nhà trường vẫn còn thiếu khu thể dục và phòng học bộ môn Công nghệ, Nghệ thuật… Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện cơ sở vật chất của nhiều trường còn thiếu phòng học, đồ dùng, các thiết bị thí nghiệm, âm nhạc, mỹ thuật, khu tập thể dục thể thao… Từ nay đến khi thực hiện Chương trình GDPT mới không còn nhiều thời gian, do đó, Bộ GD-ĐT cần có kế hoạch triển khai cụ thể để có đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chỉ là đơn vị triển khai chương trình GDPT mới và sách giáo khoa còn nguồn kinh phí lại phụ thuộc vào chính quyền mỗi địa phương và bộ, ngành khác. Nếu như Bộ GD-ĐT không có sự phối hợp nhịp nhàng với các Bộ, ngành thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu đổi mới”, thầy Bình nhấn mạnh./.