Lo thiếu cơ sở vật chất, giáo viên khi áp dụng Chương trình GDPT mới
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong đó, các cơ sở giáo dục (đặc biệt ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) hiện còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm thời và phải đi thuê, mượn các cơ sở bên ngoài. Số phòng học kiên cố đạt tỷ lệ 77,1%.
Hiện thiết bị dạy học tối thiểu ở cấp tiểu học là 56%, cấp THCS là 55%, cấp THPT là 58%. Số lượng thiết bị phòng học bộ môn mới chỉ đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu giảng dạy.
Ngoài ra, các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị dạy học ngoại ngữ hiện còn thiếu và khá khiêm tốn, chưa thể đáp ứng được khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Cơ sở vật chất cấp tiểu học còn khá khiếm tốn. |
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết: Hiện các trường học trên địa bàn chưa đáp ứng đầy đủ các phòng học để đảm bảo học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học. Các trường THCS, THPT còn thiếu phòng học bộ môn để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Chúng tôi đề nghị thành phố quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông. Theo chương trình này, đề nghị cần có sự điều chỉnh, thống nhất trong việc xây dựng các phòng học”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Ông Phạm Hùng Anh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Quan điểm xây dựng chương trình, SGK mới cần phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý. Cụ thể, với cấp tiểu học dạy 2 buổi/ngày, triển khai dạy tin học và ngoại ngữ từ lớp 3 cấp tiểu học và đẩy mạnh nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh và có một số môn học tự chọn.
Viêc áp dụng chương trình, SGK mới phải căn cứ phù hợp với từng địa phương (Ảnh: KT). |
Bên cạnh đó, phải bố trí đủ phòng học trên lớp, bổ sung thêm các phòng học máy tính và ngoại ngữ cho cấp tiểu học, đảm bảo điều kiện tối thiểu thiết bị dậy học. Với cấp THCS, THPT, phải đảm bảo tỷ lệ phòng học trên lớp để thực hiện giảng dạy một số môn tự chọn.
Về thiết bị dạy học tối thiểu, ông Phạm Hùng Anh cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho các cấp học, môn học trước thời điểm áp dụng chương trình mới, tối thiểu 10 tháng để có đủ điều kiện, thời gian chuẩn bị trang bị.
“Như môn Vật lý, năm nay theo chương trình mới phần quang hình không dạy ở cấp THPT mà sẽ chuyển xuống dạy cấp THCS và trong môn KHTN, toàn bộ các trang thiết bị quang hình trong chương trình THPT sẽ rà soát, sắp xếp điều chuyển về cấp THCS. Đối với các trường THCS hiện nay vẫn đang tồn tại hệ thống các phòng học bộ môn cho từng môn như Lý, Hóa, Sinh. Sắp tới hệ thống phòng học bộ môn ở cấp THCS sẽ được tích hợp lại thành những phòng học bộ môn KHTN, trong đó bao gồm cả Lý, Hóa, Sinh”, ông Phạm Hùng Anh, Phó Cục trưởng phụ sách Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ GD-ĐT) nói.
Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đề xuất các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương để thực hiện Đề án; hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Rà soát, điều chỉnh các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và điều kiện thực tế của các địa phương: Tiêu chuẩn thiết kế xây dựng trường học, Điều lệ trường học, các quy định về công nhận trường chuẩn quốc gia,... Xây dựng, ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với từng cấp học, môn học và rà soát, xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất trường học giai đoạn 2021 - 2025./.