Qua đó, kịp thời bổ sung cán bộ cho những địa bàn biên giới, tạo cầu nối quan trọng giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân vùng biên; tham mưu giúp địa phương củng cố hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), chung tay cùng đồng bào xây dựng thế vững biên cương Tổ quốc.

Từ một chủ trương đúng

Khu vực biên giới nước ta có 1.109 xã, phường, thị trấn với dân số hơn 2,3 triệu hộ/9,5 triệu nhân khẩu (dân tộc thiểu số chiếm 15%), với 51 dân tộc anh em sinh sống đan xen; đời sống vật chất, tinh thần của đa số đồng bào các dân tộc cơ bản còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu. Cả nước hiện còn 376 xã biên giới đặc biệt khó khăn với 660 thôn, bản và 28 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; 2.266 thôn, bản chưa có công trình nước sạch, tỷ lệ hộ đói, nghèo, cận nghèo còn ở mức cao.

chung tay xay dap the vung vung bien
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa vui lễ hội cùng bàn con xã Mường Lý, huyện Mường Lát.

Để quan tâm, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống đồng bào khu vực biên giới, cụ thể hóa nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), ngày 20-12-1998, Đảng ủy BĐBP ban hành Nghị quyết số 24-NQ/ĐU về việc “BĐBP tham gia lao động sản xuất làm kinh tế và tham gia xây dựng phát triển KT-XH ở các xã, phường biên giới, hải đảo”, trong đó xác định nhiệm vụ của BĐBP là “phải đặc biệt chú trọng, chủ động tham gia toàn diện, có chiều sâu nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Xây dựng cơ sở chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh trên các tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo của Tổ quốc”.

Đại tá Trần Văn Bừng, Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết: “Từ chủ trương trên, BĐBP đã phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo triển khai tuyên truyền sâu rộng trong cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở khu vực biên giới, tạo sự đồng thuận, thống nhất về chủ trương, quan điểm tăng cường cán bộ BĐBP cho các xã biên giới”. Các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Đắc Lắc, Bình Phước, Sóc Trăng, Kon Tum… đã ban hành chỉ thị, xây dựng kế hoạch triển khai cán bộ tăng cường xã; phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành thành lập ban chỉ đạo, bộ phận thường trực theo dõi, đôn đốc và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Ngày 9-4-1999, Bộ tư lệnh BĐBP ban hành Quy định số 27/QĐ-BTL về quy định tạm thời chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ trong công tác của cán bộ tăng cường xã, xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng tuyến biên giới, từng địa bàn, từng đơn vị để sắp xếp đội ngũ cán bộ tăng cường cho phù hợp.

chung tay xay dap the vung vung bien
Cán bộ Đồn Biên phòng Pù Nhi, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân xã Mường Lý, huyện Mường Lát. Ảnh: XUÂN THỦY.

BĐBP tỉnh Nghệ An và Quảng Trị là hai đơn vị thí điểm thực hiện mô hình cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã biên giới được Đảng ủy BĐBP và tỉnh ủy các tỉnh biên giới phối hợp nghiên cứu, rút kinh nghiệm, bổ sung, phát triển, nhân rộng ra các địa bàn khác. Từ đó, các tỉnh: Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Phước… học tập và bố trí, cơ cấu cán bộ tăng cường giữ chức danh phó bí thư đảng ủy xã. Đến nay, đã có 332 cán bộ BĐBP tăng cường xã giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống tổ chức đảng, chính quyền ở cơ sở. Trong đó, 9 đồng chí là huyện ủy viên; 13 bí thư đảng ủy, 227 phó bí thư đảng ủy xã; 7 chủ tịch và 1 phó chủ tịch HĐND xã; 7 chủ tịch và 4 phó chủ tịch UBND xã.

Dấu ấn cán bộ tăng cường xã biên giới

Năm 2007, Thượng tá Mê Văn Đạt, cán bộ BĐBP tỉnh Cao Bằng được cấp trên điều về tăng cường làm Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Bằng sự nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, anh đã củng cố lại hệ thống chính trị cơ sở, điều chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ xã. Khi đời sống nhân dân đã ổn định, Thượng tá Mê Văn Đạt trực tiếp liên hệ với các công ty, doanh nghiệp và vận động nhân dân liên kết trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như gỗ sưa, thuốc lá, ngô lai để làm giàu. Cùng với đó là việc kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, đường giao thông liên thôn, bản bằng nguồn đầu tư của Nhà nước và sức dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã Đàm Thủy đã giảm xuống. Tình hình an ninh trật tự cũng từ đó ổn định, không còn những xáo trộn, mất đoàn kết trong thôn, bản.

Nậm Ban (Nậm Nhùn, Lai Châu) là xã còn khó khăn về nhiều mặt trong huyện. Từ năm 2013 đến nay, trên cương vị Bí thư Đảng ủy xã, Trung tá Phạm Minh Hải cùng tập thể Đảng ủy xã quyết tâm tìm hướng thoát nghèo cho bà con với việc đề xuất với đảng bộ xây dựng đề án phát triển KT-XH có nội dung phù hợp với điều kiện của một xã biên giới vùng sâu, vùng xa, xuất phát điểm thấp. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền trong tỉnh, huyện, Trung tá Phạm Minh Hải đã vận động bà con cùng chung tay hiến đất, hiến công xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, sửa chữa, nâng cấp trường học, trạm y tế, mở đường giao thông vào trung tâm xã và từ xã đến các thôn, bản; đồng thời, kiến nghị với lãnh đạo BĐBP Lai Châu đầu tư xây dựng trường bán trú dân nuôi, tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc ở Nậm Ban được đi học. Nhờ sự cố gắng của nhân dân trong xã, trong đó có công sức không nhỏ của Trung tá Phạm Minh Hải, đến nay, đời sống bà con xã Nậm Ban từng bước được nâng lên.

Hơn 20 năm qua, hàng nghìn lượt cán bộ BĐBP tăng cường xã biên giới như Thượng tá Mê Văn Đạt, Trung tá Phạm Minh Hải đã góp phần xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là hoạt động của tổ chức đảng và công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, đội ngũ cán bộ BĐBP tăng cường xã đã cùng với cấp ủy địa phương xóa được 572 thôn, bản "trắng" đảng viên, phát triển 17.228 đảng viên. “Không chỉ tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, cán bộ BĐBP tăng cường xã đã chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã biên giới củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng nền biên phòng toàn dân và triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. Qua đó, giúp 101 xã từ yếu, kém lên trung bình, 192 xã từ trung bình lên khá về kinh tế-xã hội”, Trung tá Đoàn Ngọc Báu, Phó trưởng phòng Vận động quần chúng, Cục Chính trị, BĐBP chia sẻ.

Hiệu quả, sức lan tỏa, góp phần thắt chặt hơn tình quân dân nơi biên giới thông qua những cán bộ BĐBP tăng cường xã là điều mà các cấp, bộ, ngành đều ghi nhận, nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế, quy định thống nhất từ Trung ương đến địa phương nên khi triển khai còn lúng túng, thiếu sự đồng nhất giữa các địa phương và đơn vị, đặc biệt là chế độ sinh hoạt đảng, quản lý hành chính đối với đội ngũ cán bộ BĐBP tăng cường xã. Do đó, Đại tá Trần Văn Bừng, Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP mong rằng, các cấp lãnh đạo sớm nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định, hướng dẫn thống nhất đối với cán bộ BĐBP tăng cường giữ chức danh chủ chốt ở các xã biên giới. Quy định cụ thể về việc cán bộ chủ trì các đơn vị BĐBP tham gia cấp ủy các cấp và đối với đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt ở chi bộ thôn, bản khu vực biên giới./.