Chùa ở Trường Sa - Cột mốc văn hóa tâm linh
Chùa Song Tử Tây, ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa.

Tọa lạc trên đảo Song Tử Tây, hòn đảo xa nhất trong quần đảo Trường Sa, là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa, chùa Song Tử Tây, hợp với ngọn Hải đăng và Tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo thành một quần thể kiến trúc, văn hóa, dân sinh, tâm linh và lịch sử, tiêu biểu, thuần túy Việt Nam trên biển Đông. Đặc điểm chung của những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa là đều hướng về thủ đô Hà Nội, xây dựng theo phong cách truyền thống. Cùng với điện thờ Phật, các ngôi chùa ở Trường Sa đều có các ban thờ anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Đại đức Thích Nhật Anh, Trụ trì Chùa Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Ý nghĩa ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa này rất quan trọng, nói lên Phật giáo luôn luôn đồng hành cùng dân tộc Việt. Ngôi chùa hiện diện ở nơi đây để giúp cho quân dân phần nào vơi đi sự thiếu thốn ở nơi hải đảo xa xôi này”.

Đối với người dân Việt Nam, đi chùa lễ Phật đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp. Ở đâu có cư dân người Việt sinh sống, ở đó có mái chùa. Trên quần đảo Trường Sa hiện nay, đã có 9 ngôi chùa được đầu tư, tu bổ, trong đó mới đây nhất là 3 ngôi chùa ở đảo Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A. Với những người dân đang sống trên các đảothuộc quần đảo Trường Sa: những ngôi chùa còn khẳng định sự tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc nơi đầu sóng ngọn gió. Đó là những cột mốc tâm linh, điểm tựa tinh thần cho quân và dân nơi đây.

Đại đức Thích Nhật Anh cho biết: “Anh em ra ngoài này công tác, gia đình có người thân mất, bố mẹ mất, thì sự mất mát rất là to lớn nhưng mà anh em không có thể về được, thì các thầy ở đây cũng đọc kinh cầu siêu cho bố mẹ, để vơi đi nỗi mất mát đó, để anh em yên tâm công tác”.

Chùa ở Trường Sa - Cột mốc văn hóa tâm linh
Bia lưu danh các anh hùng, liệt sĩ để nhân dân đến tưởng nhớ, tri ân.

Mỗi năm, có hàng chục chuyến tàu chở đoàn công tác từ đất liền ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo. Trong đó, các ngôi chùa cũng là điểm đến tâm linh của các đoàn du khách. Tiếng chuông chùa ngân vang giữa sóng nước trùng khơi, càng giúp mỗi người cảm niệm sâu sắc hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà văn Phan Mai Hương, Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình tâm sự: “Theo như tôi được biết, ngôi chùa ở đảo Song Tử Tây không chỉ đóng vai trò là một ngôi chùa giải quyết về mặt tâm linh, về mặt tinh thần cho con người, mà ngôi chùa chính là một cột mốc chủ quyền của đất nước”.

Những ngôi chùa ở Trường Sa là biểu tượng tâm linh góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc… Tuy chùa ở xa đất liền, nhưng lại giúp đất liền và hải đảo thêm gần nhau hơn. Để dù ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam này, dân ta đều được ấm lòng khi nghe một tiếng chuông chùa.