Chủ tịch VCCI: Cần cấp thiết giảm chi phí lãi suất cho doanh nghiệp
Chiều 8/5, tại cuộc họp báo về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 (sẽ diễn ra vào ngày 17/5 tới đây), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, 75% doanh nghiệp đã có đánh giá tích cực hoặc tương đối tích cực đối với sự chuyển biến của các bộ, ngành, địa phương. 30% doanh nghiệp cho rằng, sự chuyển biến của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế.
75% doanh nghiệp đã có đánh giá tích cực hoặc tương đối tích cực đối với sự chuyển biến của các bộ, ngành, địa phương. (Ảnh minh họa:KT) |
Ông Lộc cho rằng, thành công lớn nhất của Nghị quyết 35 là lần đầu tiên Chính phủ có một nghị quyết tổng thể để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong cả nhiệm kỳ. Nghị quyết này cộng hưởng với Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển doanh nghiệp.
“Dù còn không ít khó khăn, nhưng theo đánh giá chung, các doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh năm 2016 có khởi sắc hơn, niềm tin triển vọng kinh doanh tốt hơn so với 2015. Doanh nghiệp đánh giá cao sự tích cực của các cấp trong cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Lộc nói.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, mặc dù năm 2016 là năm đột phá về tư duy cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong chính sách có những hạn chế do độ trễ và còn nhiều vấn đề phải sửa đổi ở tầm luật. Đặc biệt, với mục tiêu phấn đấu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào 2020, cần có sự sửa đổi về luật thuế, kế toán... đối với doanh nghiệp siêu nhỏ để giúp chuyển hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp.
Bên cạnh đó theo ông Lộc, yêu cầu cấp thiết hiện này vẫn là phải thực hiện kiến nghị giảm chi phí cho các doanh nghiệp như giảm lãi suất, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm, logistics...
Khẳng định chủ trương của Chính phủ kiến tạo, không làm thay cho doanh nghiệp, cho thị trường, ông Lộc cho rằng, để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp, cần phải đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công... nhất là các dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
“Bên cạnh việc đẩy mạnh thoái vốn, nhà nước cần “thoái sức” ra khỏi các dịch vụ công, không nên “ôm đồm” để tập trung vào kiến tạo thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và thị trường phát triển bền vững”, ông Lộc cho biết./.