Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác hàng đầu và lâu dài, mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chính thức chuyển thư mời Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Việt Nam đầu năm 2017.
Chủ tịch nước khẳng định chuyến thăm là biểu tượng và mốc phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, và Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản để chuẩn bị chu đáo, bảo đảm thành công của chuyến thăm.
Chủ tịch nước đề nghị Nhật Bản thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý các sự cố môi trường...
Bày tỏ vui mừng lần đầu tiên gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Abe khẳng định, Nhật Bản mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
Thủ tướng Abe thông báo Nhật Bản đã quyết định viện trợ cho Việt Nam một số phương tiện phòng cháy chữa cháy và xe cứu hộ, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cho các lực lượng chấp pháp trên biển.
Đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương, Thủ tướng Abe khẳng định Nhật Bản ủng hộ và sẽ hỗ trợ tích cực để Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017.
Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy kể từ khi được nâng lên Đối tác chiến lược sâu rộng năm 2014, quan hệ giữa hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân hai nước cũng như hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đồng thời đẩy mạnh giao lưu nhân dân.
Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Hai bên chia sẻ quan điểm về giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới./.