Chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ sau mưa lũ
Môi trường vùng nước ngập hay trong bão lũ là điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh cho mắt hoạt động mạnh mẽ, trong khi đó nước bẩn sẽ là môi trường lan truyền bệnh dễ dàng nhất. Bệnh thường khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Bác sỹ CKII Đỗ Quang Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Thái Nguyên cho biết: "Điều kiện về nước sạch, môi trường hay côn trùng di chuyển và bám vào những vật dụng chúng ta sử dụng hàng ngày làm cho bệnh có thể lan truyền từ người này qua người khác; bệnh có triệu chứng khởi phát khi bệnh nhân thấy có hiện tượng ngứa mắt, cộm vướng chảy nước mắt".
Bệnh viêm kết giác mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ ở nhiều người có thể xuất hiện giả mạc, đây là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên kết mạc làm bệnh lâu khỏi và có thể gây tổn thương giác mạc, một số ít trường hợp đau mắt đỏ có thể bội nhiễm, gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực. Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ người dân cần chủ động các biện pháp.
Khi có triệu chứng người dân nên đi khám để có biện pháp chữa trị hiệu quả. |
Bác sỹ CKI Hoàng Thị Hải Yến, Giám đốc Bệnh viện Mắt Thái Nguyên khuyến cáo: "Mỗi cá nhân phải biết giữ gìn vệ sinh cho bản thân, thường xuyên tăng cường sát khuẩn tay, rửa tay bằng xà phòng, không dùng chung các dụng cụ đồ dùng sinh hoạt cá nhân, không tự ý dùng thuốc khi chưa thăm khám hay tư vấn của y bác sĩ".
Đau mắt đỏ là một bệnh nhiễm trùng mắt, được điều trị bằng các thuốc làm giảm nhẹ triệu chứng, kháng viêm, kháng sinh nhỏ tại chỗ và toàn thân. Tuy nhiên người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, vì nếu điều trị không đúng chỉ định và không kịp thời có thể có những biến chứng nguy hiểm. Không nên xông mắt bằng các loại thuốc, lá cây để tránh làm bệnh nặng thêm. Nếu có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần tới khám và điều trị tại các bác sĩ chuyên khoa mắt để khám và hướng dẫn điều trị đúng./.