Chống được tham nhũng sẽ chống được suy đồi đạo đức
Theo dõi phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XII và những ngày làm việc trước đó của Hội nghị, dư luận xã hội đánh giá cao quyết tâm của Trung ương trong việc làm trong sạch đội ngũ Đảng viên. Đảng viên Ngô Thành, số 7, đường Nguyễn Du, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai bày tỏ tin tưởng, cùng với kết quả đạt được từ Hội nghị Trung ương 4 khoá XI, sau Hội nghị lần này Đảng sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước, tạo nhiều chuyển biến tốt.
“Trung ương nêu lên đường lối, chủ trương, chính sách để chỉnh đốn Đảng là rất đúng. Nhưng việc thực hiện theo tôi không hề dễ dàng. Từ Nghị quyết Trung ương IV đến nay, có thể nói là có chuyển biến, đạt được nhiều thành quả về mặt xây dựng Đảng, về mặt công tác cán bộ, phong cách lãnh đạo, về mặt chỉ đạo sát quần chúng…Hội nghị này tiếp tục đề ra những phương án, hướng đi mới...tôi tin rằng sẽ tạo ra những chuyển biến tốt”, ông Ngô Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Tam Quý, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, sau khi nghe bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông rất tâm đắc với những nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Hội nghị Trung ương 4 thống nhất phải tiến hành đồng bộ. Trong đó tập trung vào 4 nhóm giải pháp là giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Ông Nguyễn Tam Quý chia sẻ: “Phải nói rằng lần này Trung ương rất thẳng thắn, đánh giá đúng và phê phán những việc làm chưa đạt yêu cầu, có việc chưa làm được, nhất là vấn đề tham nhũng, chuyển hóa trong nội bộ tư tưởng về quan điểm lập trường, về suy thoái, có những diễn biến hết sức phức tạp. Tôi phấn khởi và tin tưởng thực hiện Nghị quyết lần này, Trung ương sẽ làm kiên quyết và triệt để hơn nữa để ngăn chặn nạn tham nhũng”.
Ông Đặng Ngọc Vinh, cán bộ hưu trí ở phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cũng nhận thấy Hội nghị lần này Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Về 4 nhóm giải pháp đã được đề ra, theo ông là rất rõ ràng, trong đó nhấn mạnh việc kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận.
Ông Đặng Ngọc Vinh cho rằng: “Giám sát của nhân dân cực kỳ quan trọng. Vì chỉ có nhân dân mới nhìn rất rõ, thừa biết anh này suy thoái, tham nhũng, có đất đai ở đâu, vì người ta ở cạnh nhau. Báo chí sẽ dựa vào dân, sẽ điều tra từng góc cạnh. Khi báo chí đã nêu ra thì phải xem xét để xử ngay, để người dân tin tưởng và tiếp tục cung cấp thông tin cho báo chí”.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Minh Tân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tệ tham nhũng là nguyên nhân của sự suy đồi đạo đức trong một bộ phận cán bộ đảng viên. Muốn làm trong sạch đạo đức, lối sống thì phải chống cho được nạn tham nhũng.
“Tôi cho rằng, khi người ta kiếm tiền quá dễ dàng, người ta tham nhũng được quá nhiều tiền, sự suy đồi đạo đức là đương nhiên. Hiện nay, nhiều người có quá nhiều quyền và những quyền đó lại không được kiểm soát. Khi bổ nhiệm một chức vụ nào đó vẫn chưa qua một quy trình chặt chẽ, không có sự cạnh tranh. Do vậy, người ta sẽ dễ dàng lợi dụng quyền lực đó để tham nhũng. Tôi cho rằng, bản chất vấn đề là phải làm sao kiểm soát được quyền lực, cán bộ phạm sai lầm phải bị tước bỏ quyền lực. Làm được như vậy mới chống được tham nhũng, đương nhiên lối sống của đội ngũ cán bộ công chức sẽ được cải thiện”, PGS-TS Phan Minh Tân nói./.