Nhìn lại năm 2016 vừa qua, chính sách tiền tệ có nhiều đổi mới. Ngành ngân hàng đã và đang triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp điều hành, qua đó góp phần vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng, Chính sách tiền tệ trong năm 2016 vừa qua đã được Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng chủ động linh hoạt và có sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tài khóa.

Do đó, lạm phát được kiểm soát trong mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho Ngành ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng từng bước khắc phục tình trạng trước đây dồn dập vào những tháng cuối của quý III và quý IV, hiện nay đã được điều chỉnh diễn ra ngay từ những tháng đầu năm.

chinh sach tien te linh hoat dam bao kinh te vi mo nam 2016
Nhìn lại năm 2016 vừa qua, chính sách tiền tệ có nhiều đổi mới.

Thông qua thị trường liên ngân hàng mở, Ngân hàng Nhà nước điều hành đảm bảo thanh khoản cho một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản, qua đó chủ động điều hành lãi suất trên thị trường liên ngân hàng theo xu hướng giảm thấp để hỗ trợ lãi suất huy động.

Cùng với đó, là việc Ngân hàng Nhà nước tiến hành công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày một cách linh hoạt và từng bước bám sát diễn biến cung cầu về ngoại tệ trên thị trường, góp phần ổn định tỷ giá hối đoái.

TS. Đinh Tuấn Minh, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, thành viên hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, năm qua chính sách tỷ giá được điều hành linh hoạt không cứng nhắc so với những năm trước đây.

“Điểm nổi bật nhất của chính sách tiền tệ năm qua là chính sách tỷ giá. Chính sách này đã theo đúng cam kết của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm, tỷ giá được điều hành theo phương thức mới, linh hoạt, điều chỉnh hàng ngày bám sát thị trường hơn, không duy trì tỷ giá một cách cứng nhắc như những năm trước đây. Chính sách tiền tệ phản ánh được đúng tác động bên ngoài. Qua đó phản ánh đúng chính sách tiền tệ và tỷ giá chính xác hơn”, TS. Đinh Tuấn Minh.

Theo TS. Đặng Ngọc Đức, Phó Viện trưởng thường trực Viện Ngân Hàng Tài Chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, việc điều hành tỷ giá trung tâm mang lại thành công rất quan trọng và cũng đảm bảo cho việc thực hiện chống đô la hóa khi đưa lãi suất xuống còn 0%.

Tuy nhiên, có thời điểm tỷ giá tăng do yếu tố tâm lý hay do ảnh hưởng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây, song việc gia tăng tỷ giá này không phải do tác động của việc chống đô la hóa hay áp dụng lãi suất 0%. Do đó, đây là thành công rất quan trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

TS. Đặng Ngọc Đức cũng cho rằng, việc lạm phát giữ được ở mức 4,8% thấp hơn 5% so với kế hoạch ban đầu mà Chính phủ đề ra với Quốc hội, điều này cho thấy lạm phát đã được kiềm giữ, ổn định giá trị của đồng tiền, ổn định tỷ giá. Qua đó, góp phần vào việc ổn định tài chính của đất nước.

Thêm vào đó, năm 2016 có nhiều tác động từ bên ngoài ảnh hưởng đến tình hình tài chính, tiền tệ của đất nước nhưng ngân hàng Nhà nước rất chủ động, đối phó với những tình huống cụ thể, đều có dự báo trước, bằng chứng là việc giữ cho lạm pháp ổn định.

“Tác của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính. Vấn đề Brexit nước Anh rời khỏi khu vực EU và kết quả khá bất ngờ trong việc bầu cử Tổng thống Mỹ… điều này có những tác động đến tình hình tài chính, tiền tệ của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã rất chủ động đối phó với tình huống này đó là đều có dự báo trước và có những cuộc thảo luận và có những kết luận về tác động này. Do đó, hoàn toàn chủ động bằng chứng là việc giữ cho lạm pháp ổn định”, TS. Đặng Ngọc Đức khẳng định.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Đặng Ngọc Đức, hạn chế trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2016 là việc ban hành những Nghị định, quyết định liên quan đến hoạt động của hệ thống ngân hàng theo kiểu dự kiến, sau đó lại lùi thời gian dự kiến đã dẫn tới tình trạng không nhất quán trong quản lý điều hành tiền tệ.

Việc kéo dài cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu, thể hiện sự bao cấp qua tín dụng và cũng tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp vay bằng nội tệ và ngoại tệ. Do đó, về lâu dài không nên duy trì chính sách này.

Về điều hành chính sách tiền tệ năm 2017, các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện thêm về pháp lý để ban hành các quy phạm pháp luật, cũng như bộ phận dự báo và thống kê để hoạt động này có quả hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia kinh tế thì năm 2017 nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó sẽ tác động đến hệ thống tài chính ngân hàng, tác động đến điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, Ngành ngân hàng cần có những dự báo để có kế hoạch ứng phó kịp thời.

“Ngân hàng Nhà nước cần phải đưa ra là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Phối hợp chặt chẽ với chính sách kinh tế vĩ mô và trong đó có chính sách tài khóa để ổn định được tiền tệ và đạt được mục tiêu về lạm phát mà Quốc hội và Chính phủ đã giao cho ngành ngân hàng phải xem xét, thực hiện để ổn định kinh tế vĩ mô để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp tiếp cận vốn ở kênh tín dụng phải ổn định và có xu hướng giảm mạnh hơn so với năm 2016”, bà Mùi nhận định.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cần phải lưu tâm hơn nữa đến việc giảm lãi suất, xử lý nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu kém. Đồng thời, cần có những cải thiện mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn trong quản lý, điều hành chính sách tiền tệ nhằm giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô vừa cung ứng đầy đủ nguồn vốn cho người dân và doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh./.