“Cấp phép ca khúc” và ông Nguyễn Đăng Chương gây bức xúc dư luận 2017
Vụ việc bắt đầu ồn ào khi ngày 22/3/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Cục NTBD), Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-NTBD tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 là: “Cánh thiệp đầu xuân”, “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân”, “Con đường xưa em đi”, “Đừng gọi anh bằng chú” với lý do “có vấn đề cần được xem lại”.
Trả lời báo chí, Cục trưởng Cục NTBD lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đăng Chương cho biết: “Có những ca khúc vi phạm tác quyền, thay đổi nội dung so với bản gốc, nhầm tên tác giả. Sau khi quá trình thẩm định kết thúc, Cục sẽ cấp phép trở lại”.
Ông Nguyễn Đăng Chương. |
Tuy nhiên, sau khi 5 bài hát này bị cấm lưu hành, đến tháng 4/2017, một loạt các ca khúc trước năm 1975 cũng nằm trong danh sách chưa được phổ biến rộng rãi. Trong đó có những ca khúc quá đỗi quen thuộc như “Nối vòng tay lớn”, “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, “Ca dao mẹ” và “Đêm thấy ta là thác đổ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Giữa tháng 4/2017, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đại diện gửi công văn cho Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương kiến nghị về các ca khúc đang bị cấm lưu hành, phổ biến. Cùng với những phản đối mạnh mẽ từ dư luận, ngày 12/4, Cục NTBD đã phải cấp giấy phép phổ biến ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngày 14/4, ông Nguyễn Đăng Chương ký văn bản thu hồi quyết định tạm dừng 5 ca khúc.
"Nối vòng tay lớn" - Trịnh Công Sơn. |
Song, Cục NTBD vẫn khẳng định việc cấm biểu diễn các ca khúc này là đúng với Nghị định 79 vì trên thực tế, những bài chưa có đơn vị nào đứng ra xin phép thì chưa được cấp phép. Điều này làm dấy lên bức xúc của dư luận và cả những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật về cơ chế “xin - cho”.
Nhạc sĩ Trần Tiến cho rằng, cấm đoán những ca khúc đã đi vào tiềm thức của người nghe là điều đáng tiếc. Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, việc này phản ánh một hiện thực về bộ máy quan liêu, bộ máy hành chính hành người dân.
Sau những quyết định sai lầm của Cục NTBD, Bộ VH-TT&DL chính thức vào cuộc và yêu cầu kiểm điểm các cá nhân liên quan đến vụ cấp phép, trong đó có ông Nguyễn Đăng Chương (Cục trưởng Cục NTBD) và ông Đào Đăng Hoàn (Phó Cục trưởng Cục NTBD).
Chưa dừng lại ở đó, đến giữa tháng 5/2017, hơn 300 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc quá nổi tiếng như: “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Chào em cô gái Lam Hồng” (Ánh Dương), “Chào sông Mã anh hùng” (Xuân Giao), “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh” (Lưu Bách Thụ), “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên), “Việt Nam quê hương tôi” (Đỗ Nhuận)... bất ngờ lọt vào danh mục "Phổ biến những bài hát sáng tác trước năm 1975" trên trang điện tử của Cục NTBD khiến dư luận hiểu là Cục NTBD cấp phép cho những ca khúc này.
Việt làm khó hiểu và rất thừa của Cục NTBD khiến dư luận bức xúc, uy tín của Cục bị giảm sút nhanh chóng. Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cũng phải bức xúc vì cách xử lý “máy móc và cứng nhắc” của Cục NTBD: “Đã hết cái thời không quản được thì cấm rồi. Những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đúng đắn, lành mạnh cần phải được cơ quan quản lý tạo điều kiện để phổ biến, lưu hành”.
Ngày 22/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ VH-TT&DL rà soát, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển. Theo Phó Thủ tướng, "Các bài hát đã quen thuộc, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác".
Sáng 23/5, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái ký công văn yêu cầu Cục NTBD phải rút kinh nghiệm. Đến chiều 23/5, Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương thay mặt ban lãnh đạo Cục NTBD và cá nhân nhận trách nhiệm, xin rút kinh nghiệm trước lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời xin lỗi vì đã tạo ra dư luận bức xúc trong xã hội.
Ngày 30/5, Bộ VH-TT&DL có quyết định điều chuyển ông Nguyễn Đăng Chương đến làm việc tại Văn phòng Bộ trong sáu tháng, tính từ ngày 1/6, chờ sắp xếp công tác khác. Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL sẽ tạm điều hành Cục NTBD.
Trong phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV vào chiều 13/6, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nhận trách nhiệm về “những cái sai nghiệp vụ sơ đẳng”. Bộ trưởng khẳng định những vụ việc vừa rồi có thể nói do năng lực cán bộ. Bởi năng lực tốt thì đã không xảy ra những việc như vậy. Việc xử lý và điều chuyển ông Nguyễn Đăng Chương được đánh giá là kịp thời và hợp lòng dân.
Đến ngày 29/11, Bộ VH-TT&DL ra quyết định bổ nhiệm NSND Nguyễn Quang Vinh - Nguyên Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam vào vị trí quyền Cục trưởng Cục NTBD từ ngày 1/12/2017. Cùng đó, ông Nguyễn Đăng Chương, Nguyên Cục trưởng Cục NTBD được phân công về làm Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hoá-Nghệ thuật Việt Nam từ ngày 1/12/2017.
Câu chuyện “cấp phép ca khúc” đã chấm dứt. Nhìn một cách khách quan, chính tư duy quản lý yếu kém và cứng nhắc đã khiến cho việc cấp phép phổ biến ca khúc “rối như canh hẹ”. Trong vụ việc này, Cục NTBD đã tự khơi mào, đưa ra những quyết định bất hợp lý gây bức xúc dư luận, cuối cùng phải lên tiếng xin lỗi công chúng. Đây có thể xem là một bài học đắt giá đối với những người làm công tác quản lý, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Sau vụ việc, Bộ VH-TT&DL đã và đang tiếp tục rà soát, bổ sung cập nhật danh sách những bài hát được phổ biến rộng rãi. Bộ VH-TT&DL cũng khẳng định, với những bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm hại lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.../.