Cao tốc Trung Lương - Cần Thơ chậm tiến độ: Thiệt thòi lớn cho ĐBSCL
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn I hoàn thành thông xe để giảm thiểu mật độ giao thông trên Quốc lộ 1 và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL phát triển.
Công trình thi công đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (đoạn huyện Châu Thành, Tiền Giang) đang dở dang |
Tuy nhiên, đến thời điểm này, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai thi công rất chậm. Riêng đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ mới ở giai đoạn làm thủ tục…Vậy đến năm 2019, dự án xây dựng đường cao tốc từ Trung Lương - Cần Thơ có hoàn thành như kế hoạch hay không ? Đây là bài toán đặt ra cho nhà đầu tư và các đơn vị thi công cần quan tâm giải quyết.
Dự án đoạn cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận giai đoạn 1 thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang có chiều dài trên 51km, thiết kế 6 làn xe đi qua 26 xã của 5 huyện, thị xã của tỉnh. Dự án được đầu tư gần 15.000 tỷ đồng do 6 doanh nghiệp tham gia theo hình thức BOT.
Dự án này có 7 gói thầu xây lắp, có hơn 2.300 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời bàn giao mặt bằng. Qua hơn 25 tháng khởi công, đến nay, tiến độ vẫn rất chậm. Trong số 7 gói thầu được khởi công, hiện chỉ có 3 gói thầu đã tập kết được thiết bị, đang lập văn phòng, nơi ở cho công nhân. Duy nhất gói thầu số 1, địa phương mới bàn giao 12 km mặt bằng và đơn vị thi công đạt giá trị 70 tỷ đồng, chiếm gần 50% nguồn vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Trung Thành, Chỉ huy trưởng Công trình xây 3 cây cầu trên Dự án thuộc Tập đoàn Đầu tư xây dựng Hải Thạch (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết: khó khăn nhất là khâu bàn giao mặt bằng và hạ tầng giao thông để vận chuyển vật liệu, thiết bị phục vụ công trình. Đơn vị phải xin nhà đầu tư chấp nhận cho gia cố nhiều cây cầu yếu tại vùng dự án để chuyển vật liệu.
Tập đoàn xây dựng Hải Thạch đang thi công phần móng của cầu vượt ngang đường cao tốc |
Ở thời điểm này, các gói thầu xây lắp chính trong dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đang đợi Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh thiết kế. Cụ thể là điều chỉnh quy mô mặt cắt ngang phần đường và phần cầu tăng từ 13,75 mét lên 17 mét; điều chỉnh bảy cầu vượt sông, ba cầu nút giao, một cầu ở đường nối, thay đổi sơ đồ nhịp bốn cầu vượt, điều chỉnh thiết kế ba nút giao. Việc điều chỉnh này có khả năng hoàn thành giữa tháng 5 tới để thi công.
Ông Phạm Toàn Thắng, Chỉ huy trưởng Gói thầu số 01 thuộc Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận chia sẻ:
Hiện giờ hồ sơ có thay đổi nên chờ khi nào xong mới thi công, có lẽ phải đến giữa tháng 5.
Chính quyền các địa phương có dự án đi ngang có trách nhiệm kê biên, áp giá đền bù để người dân giải tỏa, bàn giao mặt bằng. Đến thời điểm này, các nhà đầu tư đã chuyển cho tỉnh Tiền Giang hơn 498 tỷ đồng. Dự kiến hết tháng 3 này sẽ chuyển hết số tiền cho phía tỉnh thực hiện công tác bồi thường.
Ông Lý Văn Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết, do làm công công tác tuyên truyền, vận động nên công tác giải phóng mặt bằng để giao cho đơn vị thi công thuận lợi. Địa phương đang đợi nguồn vốn để bồi thường, hỗ trợ cho dân.
Cùng với việc triển khai xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 hoàn thành trong năm 2019 sớm hơn kế hoạch 1 năm. Chính phủ chỉ đạo cho Bộ Giao thông Vận tải triển khai xây dựng đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ để cùng thông xe vào năm 2019 sớm hơn kế hoạch 2 năm. Đoạn cao tốc này dài hơn 23 km đi qua các tỉnh: Tiền Giang- Vĩnh Long- Đồng Tháp và Cần Thơ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát việc xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận |
Tuy nhiên, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải mới đang ở giai đoạn làm thủ tục, hồ sơ. Sau đó tổ chức đấu thầu Quốc tế, nên có khả năng đến năm sau mới khởi công. Dự án cao tốc Trung Lương- Cần Thơ thông xe sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng trọng điểm nông nghiệp phát triển, đồng thời giảm tải ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 đang báo động như hiện nay.
Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, các nhà đầu tư, lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cấp, các ngành và các đơn vị đầu tư, đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án này.
Nhiều nhà đầu tư và các đơn vị thi công đều cho biết, nếu nguồn vốn, mặt bằng và hồ sơ thủ tục sớm… thì đến năm 2019, dự án xây dựng tuyến cao tốc đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ giai đoạn 1 sẽ hoàn thành, thông xe đúng như cam kết với Chính phủ. Còn ngược lại, nếu gặp khó khăn, trở ngại không được tháo gỡ kịp thời thì công trình này sẽ tiếp tục “ì ạch”.
Đây là vấn đề mà Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành TW, nhà đầu tư, các đơn vị thi công và chính quyền các địa phương vùng dự án cần có sự phối hợp quan tâm, giải quyết. Trước mắt Bộ Giao thông vận tải phải sớm hoàn thành việc điều chỉnh thiết kết dự án Trung Lương – Mỹ Thuận; đồng thời phải khẩn trương hoàn thành thủ tục đấu thầu Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ đúng theo quy định./.