Cần chấn chỉnh tình trạng học sinh đi xe máy đến trường
Hình ảnh được ghi tại khu vực cổng trường THPT Lương Ngọc Quyến |
Giờ tan trường, không khó để bắt gặp hình ảnh các học sinh còn đang mặc đồng phục điều khiển xe máy... Phóng nhanh... Không đội mũ bảo hiểm... Đi sai làn đường... Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người phải đủ 18 tuổi trở lên mới đủ điều kiện cấp giấy phép lái xe, còn từ 16 đến 18 tuổi chỉ được đi xe dưới 50 phân khối. Vào mỗi đầu năm học, quy định này cũng đều được các trường phổ biến, đồng thời yêu cầu gia đình và học sinh cùng cam kết thực hiện. Thế nhưng, hiệu lực của tờ cam kết có lẽ chỉ giới hạn phía sau cánh cổng trường. Trong khi đó, hàng ngày, các điểm gửi xe xung quanh các trường vẫn đang hoạt động.
Em Nguyễn Nhật Minh học sinh lớp 11A3, trường THPT Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên phản ánh: “Số bạn đi xe máy nhiều. Nhà trường thì có quy định không cho học sinh đi xe trên 50 phân khối nên các bạn thường gửi xe phân khối lớn này bên ngoài trường để qua mắt giáo viên”.
Em Dương Minh Thảo, lớp 12 A5, Trường THPT Dương Tự Minh, thành phố Thái Nguyên thì cho biết: “Có một số các bạn học sinh đi xe vượt quá 50 phân khối nhưng các bạn không gửi xe trong trường mà lại gửi bên ngoài”.
Tình trạng học sinh THPT trên địa bàn tỉnh sử dụng xe máy trên 50 phân khối, vi phạm luật giao thông đường bộ còn khá phổ biến |
Thầy giáo Phan Vĩnh Thái, Hiệu trưởng trường THPT Dương Tự Minh thành phố Thái Nguyên giải thích về tình trạng này: “Cái khó khăn cho nhà trường là cha mẹ học sinh không thật sự phối hợp với nhà trường. Vẫn còn tình trạng 1 số học sinh sử dụng xe máy trên 50 phân khối. Như vậy là vi phạm luật giao thông. Tôi nghĩ là lứa tuổi này nhiều em đang muốn thể hiện, muốn đi nhanh hơn bạn bè nên tình trạng này vẫn tiếp diễn”.
Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra do các em học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn khi chưa đủ tuổi. Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông công an tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện và xử phạt gần 800 trường hợp người học sinh điều khiển xe máy vi phạm giao thông. Tuy nhiên, nếu có sự hậu thuẫn của cha mẹ thì việc xử phạt đối với các em cũng không thể thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông./.