Cải cách hành chính TPHCM: Chờ vào kho dữ liệu dùng chung?
Chiều 17/5, UBND TPHCM tổ chức sơ kết 2,5 năm thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020.
Cuộc họp sơ kết 2,5 năm về thực hiện chương trình cải cách hành chính mổ xẻ nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là những bất cập trong việc hiện đại hoá nền hành chính công |
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Thinh – Chủ tịch UBND quận Bình Tân - cho biết trong năm 2017, quận đã đẩy mạnh cải cách hành chính bằng nhiều biện pháp như ban hành hơn 80 ngàn cẩm nang tuyên truyền gửi trực tiếp đến từng hộ dân, lập các tổ hướng dẫn về thủ tục trực tuyến tại các phương, nhờ đó người dân thay đổi thói quen. Kết quả là hồ sơ trễ hạn chỉ còn chưa đến 1% (giảm rất nhiều so với trước đây); tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến là 55% (năm 2016 là 21%).
Tuy nhiên, theo ông Thinh, công tác cải cách hành chính vẫn còn hạn chế như dữ liệu chưa đồng bộ, nhiều người dân chưa quen với những dịch vụ trực tuyến, chưa thích nghi được với việc sử dụng công nghệ thông tin…
Từ đó, ông Thinh đề xuất, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên hướng dẫn người dân về thủ tục hồ sơ trực tuyến. Ngoài ra, một số chương trình cải cách hành chính thành phố nên giao cho một đơn vị chủ trì sau đó chia sẻ, kết nối các quận/huyện và thậm chí xuống tận phường/xã để đồng bộ dữ liệu, phần mềm.
Trong khi đó, là địa phương nằm trong top 5 (trong 3 năm liền) về cải cách hành chính, đại diện UBND quận 4 xác định rằng phải đồng bộ dữ liệu. Quận 4 kiến nghị thành phố có giải pháp khắc phục vì hiện nay việc đồng bộ hoá dữ liệu của các quận/huyện với sở/ngành chưa thực hiện được.
Ông Trần Phú Lữ - Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh – cho rằng để hiện đại hoá nền hành chính thì phải có nhạc trưởng chủ trì và có sự đồng bộ ứng dụng các phần mềm.
Theo ông Lữ, đối với những phần mềm ứng dụng ở các quận/huyện tốt rồi thì thành phố nên giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, đặt hàng và ứng dụng đồng loạt cho các quận/huyện còn lại. Không nên để các địa phương “tự bơi”.
“Bình Chánh thấy còn thua kém các quận/huyện bạn nên vừa rồi có qua quận Bình Thạnh học phần mềm trực tuyến. Đơn vị tư vấn làm cho Bình Thạnh là 200 triệu nhưng khi thương thảo về làm cho Bình Chánh thì đòi 400 trăm triệu. Như vậy thì thấy khó rồi. Tại sao Bình Chánh phải trả cao hơn, trong khi thủ tục hành chính cũng gần như nhau”, ông Lữ than vãn.
Người dân đến làm thủ tục tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Thủ Đức |
Trong khi đó, đại diện UBND huyện Nhà Bè cho biết riêng khâu liên thông thủ tục nhà đất từ chỗ tiếp nhận hồ sơ cho tới kho bạc không thể thực hiện được nên cán bộ phải ôm hồ sơ chạy lòng vòng rất mất thời gian. Nếu dữ liệu dùng chung được, phần mềm đồng bộ hoá thì sẽ thuận tiện cho việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Tiếp nhận và chia sẻ những khó khăn mà các địa phương phản ánh, bà Võ Thị Trung Trinh – Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP – cho biết về hiện đại hoá nền hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến hiệu quả thì có 2 việc cần làm.
Thứ nhất, phải chuẩn hoá bộ thủ tục hành chính, đây là yêu cầu hàng đầu. Thứ hai là giải quyết các vấn đề kỹ thuật có liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin. “Muốn làm được dịch vụ công trực tuyến thì phải chuẩn hoá bộ thủ tục hành chính, công bố công khai”, bà Trinh nói.
Theo bà Trinh, tính đến nay, bộ hồ sơ thủ tục hành chính đã chuẩn hoá và công khai của thành phố là khoảng 1.547 thủ tục, trong đó tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến là khoảng 23%.
Song theo bà, tỷ lệ sử dụng hồ sơ trực tuyến là vấn đề cần quan tâm tuyên truyền hơn nữa. Theo thống kê, trong 14,7 triệu hồ sơ thì tỷ lệ hồ sơ gửi qua mạng chỉ có 2%. Trong đó, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở sở, ngành cao so với quận,huyện.
Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP Võ Thị Trung Trinh |
Bà Trinh cho biết, vấn đề căn cơ của thành phố là chưa có khung kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử. Đây là tài liệu rất quan trọng để sở, ngành, quận/huyện, phường/xã xây dựng dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin để làm sao đảm bảo tính liên thông, đồng bộ.
“Dự kiến đến tháng 7 sở sẽ trình khung kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử của thành phố lên Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi UBND TP ký quyết định ban hành”, bà Trinh nói.
Cũng theo bà Trinh, các địa phương than phiền dữ liệu không đồng bộ có liên quan đến việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung. Theo bà, đây là cái khó chung của các tỉnh, thành chứ không phải của riêng thành phố.
“Thành phố sẽ đầu tư để có kho dữ liệu dùng chung và có quy chế vận hành, chia sẻ cho các quận/huyện. Có kho dữ liệu này rồi thì mới thực hiện được thủ tục công trực tuyến. Còn việc nhân rộng phần mềm được hay không được phụ thuộc rất nhiều vào khung kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử mà thành phố ban hành”, bà Trinh nói.