Cách mạng Tháng Tám: Cuộc cách mạng của lòng dân
Những ngày mùa Thu tháng Tám của 73 năm về trước, từ Khu Giải phóng Tân Trào, lệnh Tổng Khởi nghĩa đã được truyền đi khắp cả nước. Hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã đứng lên khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện sức mạnh của lòng dân, về bài học đại đoàn kết, lấy dân làm gốc. Bài học này tiếp tục được vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Ngày 28/8/1945, Đoàn Giải phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát Lớn. |
73 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm trí ông Hoàng Ngọc, ở làng Tân Lập, xã Tân Trào, Tuyên Quang vẫn còn vẹn nguyên ký ức ngày 21 tháng 5 năm 1945. Đó là ngày Bác Hồ đã từ Cao Bằng trở về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào, huyện Sơn Dương làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng. Trong trí nhớ của cậu bé 10 tuổi khi ấy, các cán bộ về dự Quốc dân Đại hội đã ở nhà ông và một số gia đình khác. Trong khi Đại hội đang họp, một đoàn đại biểu thay mặt nhân dân Tân Trào đã đến chào mừng Đại hội và ông Hoàng Ngọc đã vinh dự có mặt trong đoàn thiếu nhi.
“Chúng tôi ở đây là dân tộc Tày, qua thời kì đô hộ thấy khổ lắm. Sau khi cách mạng đến, được Đảng, Bác Hồ giáo dục tinh thần cách mạng tất cả nhân dân các dân tộc chúng tôi phấn khởi, hồ hởi. Tất cả tập trung vào giúp đỡ cách mạng. Có gì là đều đưa ra ủng hộ và làm cách mạng. Bác Hồ nói như thế nào, cán bộ cách mạng nói thế nào chúng tôi đều làm theo cả"- ông Hoàng Ngọc kể.
Với một lòng tin sâu sắc và đi theo Đảng, người dân Tân Trào, núi rừng Tân Trào đã nuôi giấu, che chở cho cách mạng, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Đảng, cho Bác Hồ, cho cách mạng trong những ngày tiền khởi nghĩa. Nơi đây chính là Trung tâm chỉ đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, đóng góp vai trò quan trọng vào thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại của dân tộc.
Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, để đi đến Cách mạng tháng Tám, Đảng ta đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng suốt 15 năm: “Chúng ta đã chuẩn bị rất kỳ công, chuẩn bị cả đường lối, sự ra đời của Đảng năm 1930, của cả tổng diễn tập 1930-1931, cao trào cách mạng Xô viết- Nghệ Tĩnh, chuẩn bị cả khôi phục năm 1931-1935, chuẩn bị cả cao trào 1936-1939 và đặc biệt 1939-1945. Chuẩn bị chớp thời cơ, nắm tình thế cách mạng, chuẩn bị chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, chuẩn bị các mặt, phát động phong trào, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh quốc tế. Đó là sự chuẩn bị rất kỳ công”.
Từ Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa được phát đi và được toàn thể nhân dân đồng tình hưởng ứng. Sáng ngày 19/8, hàng chục vạn nhân dân tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Đánh dấu mốc son lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã để lại bài học quý báu, nhất là bài học về lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Khối đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là liên minh công-nông-trí thức; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta”.
Tiến sĩ Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp.
“Bắc- Trung- Nam khắp 3 miền, toàn dân khởi nghĩa, chính quyền về tay. Sức mạnh của lòng dân là sức mạnh vô địch. Hơn 600 năm trước Nguyễn Trãi có nói “Làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước”. Hơn 500 năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong vũ trụ không gì bằng sức mạnh của nhân dân”. Đây là cuộc cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và chính đó là cội nguồn của cách mạng tháng Tám”-Tiến sĩ Nhị Lê nói.
Bài học sâu sắc về tinh thần đoàn kết, lấy dân làm gốc của Cách mạng tháng Tám đã được kế thừa và phát huy sau khi đất nước hòa bình và đặc biệt trong 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới theo tinh thần "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vậy nhưng, thời kỳ đổi mới, nhiều cán bộ đã không coi trọng bài học quý này. Tại Đại hội 12 của Đảng đã chỉ ra một thực tế hiện nay là tình trạng xa dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm.
GS.TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN) |
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, hơn lúc nào hết, sức mạnh của lòng dân cần được huy động, khơi dậy và phát huy thường xuyên, đồng thời phải củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng.
“Lòng dân là bức tường thành vững chắc nhất để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự nghiệp đổi mới. Do đó, muốn thực hiện đổi mới thành công thì trước hết phải củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng, đó là quan trọng nhất, là số một. Thứ hai là củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời phải chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân. Nếu chúng ta làm được những điều đó chúng ta sẽ có được lòng tin của nhân dân, có lòng tin của dân là có tất cả”-Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong kể.
73 năm trôi qua, từ Khu Giải phóng Tân Trào, lệnh Tổng Khởi nghĩa đã được truyền đi khắp cả nước. Cách mạng Tháng Tám-cuộc cách mạng của lòng dân đã cho thấy bài học đoàn kết, lấy dân làm gốc có ý nghĩa sâu sắc. Gốc có vững, cây mới bền. Hiện nay vấn đề cấp thiết đặt ra với các cấp ủy Đảng, toàn hệ thống chính trị là phải tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; nắm bắt được đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân và chuyển tâm tư, nguyện vọng đó đến các cơ quan của Đảng, Nhà nước để tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân./.