Các nước trong và ngoài OPEC họp bàn về cắt giảm sản lượng dầu
Bộ trưởng dầu mỏ 14 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và 10 nước xuất khẩu chính không thuộc OPEC, do Nga dẫn đầu đã nhóm họp tại thành phố Vienna, Áo hôm nay (1/7).
Cuộc gặp nhằm thống nhất lập trường trong việc gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng dầu kí kết tại Algérie năm 2018. Dù Nga và Saudi Arabia đã đạt được thỏa hiệp trước đó, song vấn đề gia hạn thêm 6 hay 9 tháng dự báo sẽ làm nóng các cuộc thảo luận.
Với phương án gia hạn thêm 9 tháng, thỏa thuận đang hiện hành sẽ hết hạn vào tháng 3 năm sau. (Nguồn: AFP) |
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa kết thúc hồi cuối tuần qua tại Nhật Bản, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo thỏa thuận đạt được giữa nước này và Saudi Arabia liên quan tới việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu nhằm hỗ trợ giá dầu trên các thị trường.
Tháng 12 năm ngoái, 24 quốc gia, chiếm tới 1 nửa sản lượng dầu mỏ toàn cầu này đã nhất trí giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm nay để giữ cân bằng thị trường cũng như hạn chế việc giá dầu mỏ xuống thấp. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng với nhà lãnh đạo Saudi Arabia, hai nước đã nhất trí gia hạn thỏa thuận này thêm 6 hoặc 9 tháng.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết: “Cùng với Saudi Arabia, chúng tôi đã thảo luận về khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Điều này là rất quan trọng. Song hiện nay chúng tôi vẫn chưa quyết định sẽ gia hạn thêm 6 hay 9 tháng. Có lẽ sẽ là 9 tháng".
Nga là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới, trong khi Saudi Arabia là quốc gia đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Thỏa hiệp đạt được giữa Nga và Saudi Arabia cần phải được toàn bộ 14 quốc gia thành viên và 10 quốc gia xuất khẩu chính không phải là thành viên thông qua.
Các nước thành viên OPEC tới nay đều nhất trí rằng, việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng là cần thiết, song thời gian bao lâu, 6 hay 9 tháng, lại là một vấn đề khác. Bởi sự cân bằng của thị trường dầu mỏ đang có những diễn biến ngày càng phức tạp và khó đoán định, trong khi mục tiêu mong muốn của mỗi nước lại cũng không hề giống nhau.
Về nguồn cung, căng thẳng leo thang mới đây tại vùng Vịnh đã làm gia tăng lo ngại về an toàn nguồn cùng, dù thời điểm hiện nay chưa dẫn đến sự leo thang giá dầu. Trong khi đó nhu cầu năng lượng toàn cầu lại khá ảm đảm giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung và sự chậm lại của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Cơ quan năng lượng quốc tế mới đây đã cắt giảm 2 lần dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm 2019.
Với phương án gia hạn thêm 9 tháng, thỏa thuận đang hiện hành sẽ hết hạn vào tháng 3 năm sau. Do Nga đã đồng ý, cuộc họp của Bộ trưởng dầu mỏ 14 quốc gia thành viên OPEC và 10 nước xuất khẩu chính không thuộc OPEC, hay còn gọi là cuộc họp OPEC+ có thể sẽ rất suôn sẻ nếu nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 của OPEC là Iran cũng đồng ý với kế hoạch. Tuy nhiên, Iran tới nay lại vẫn là ẩn số.
Là một thành viên nổi bật khác của OPEC, song Iran cũng đồng thời là một đối thủ của Saudi Arabia trong khu vực. Chịu tác động mạnh của các lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran tới nay được miễn trừ thực hiện thỏa thuận cắt giảm dầu mỏ, cùng với Venezuela và Lybia.
Phát biểu trước thềm cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc A Rập thống nhất Mohammed Faraj Al Mazroui cảnh báo, bất chấp thỏa hiệp đạt được giữa Nga và Saudi Arabia, tiếng nói của mỗi nước liên quan tới thỏa thuận đều được tính tới và mỗi nước đều có thể sử dụng quyền phủ quyết. Theo vị quan chức này, việc gia hạn 6 hay 9 tháng vẫn còn là điều phải bàn bạc thêm. /.