Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Giảm 50% không lo lương cho viên chức thì đỡ lắm!”
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu số liệu ví dụ khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ, tổ chức, sắp xếp lại chức năng... sẽ làm cơ sở tốt để cải cách tiền lương, không lo vỡ quỹ bảo hiểm thay vì đặt vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.
PV: Trước đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ công chức lên 60-62, ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Bộ Nộ vụ thì lại còn khuyến khích nghỉ sớm, vì đang thực hiện đề án tinh giản biến chế để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Quan điểm của tôi là chúng ta phải làm đúng quy định của Bộ luật Lao động, quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ 55. Quan trọng nữa là ta phải thực hiện theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ của bộ máy công chức, viên chức.
Làm đúng như vậy thì mới nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính Nhà nước và giải quyết được vấn đề cơ chế để tăng lương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
PV:Theo ông, lý do giải thích tăng tuổi nghỉ hưu để tránh nguy cơ vỡ quỹ lương hưu có hợp lý, thuyết phục?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân:Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện là hơn 73 tuổi rồi. Lý do giải thích như trên thuộc quan điểm của mỗi người, còn phép tính đưa ra là của cơ quan quản lý quỹ.
Tôi thì vẫn quan điểm phải giữ đúng Bộ luật Lao động và thực hiện đúng Nghị quyết 39 thì sẽ giải quyết được vấn đề tiền lương, không phải lo vỡ quỹ. Và giải quyết việc này không phải bằng vấn đề tăng tuổi hưu.
PV:Tuy nhiên việc tinh giản biên chế mới chỉ nhắm đến nhóm công chức viên chức sắp tuổi hưu thì không giảm được bao nhiêu chi trả ngân sách cho lương, thưa ông?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân:Nội dung của Nghị quyết 39 của Bộ chính trị là tinh giản biên chế gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nhưng thực ra lâu nay mình mới đi sâu vào tinh giản mà chưa tính việc cơ cấu lại đội ngũ, tổ chức, sắp xếp lại chức năng chồng chéo, cơ cấu cho đúng vị trí việc làm và chức danh của công chức.
Làm được như vậy mới ra được đối tượng tinh giản. Tinh giản đây là những người không đảm bảo điều kiện, không đủ sức khoẻ, cần bố trí sắp xếp công việc khác chứ không phải là thu chưa đủ thì không tinh giản.
Tinh giản cho đúng quy trình và tỷ lệ theo Nghị định 188 của Thủ tướng Chính phủ là bình quân mỗi năm giảm 5%. Năm nay Bộ Nội vụ đã giao chỉ tiêu biên chế sớm cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội – những tổ chức có biên chế Nhà nước giao.
Bộ đã ký văn bản giao sớm theo đúng tinh thần Nghị quyết 39. Năm nay không có tình trạng như mấy năm trước là để xong họp HĐND tỉnh mới giao, vì như vậy làm sao người ta có cơ sở tổ chức bộ máy kết hợp với ngân sách.
Giải quyết vấn đề tiền lương theo tôi là thế.
Giờ khối viên chức 2,1 triệu người, nếu mình giảm được 50% trong số đó thôi, bằng cách xã hội hoá hay giao cơ chế tự chủ thì con số này mình không phải lo lương, như thế là đỡ lắm. Còn công chức thì hiện mình chỉ có hơn 600.000 người kể từ cán bộ cấp xã trở lên thôi, đâu phải nhiều gì.
Nhưng giờ chuyển đổi xã hội hoá và vận động của các đơn vị theo tinh thần tự chủ quá chậm nên sẽ từng bước để tính. Năm 2017, Chính phủ giao Bộ Nội vụ làm công tác tham mưu và sẽ tính theo lộ trình để xã hội hoá việc này. Tinh thần là làm đúng quy định của pháp luật và định hướng lãnh đạo của Đảng.
PV:Như Bộ trưởng phân tích, chưa thực hiện được việc cơ cấu bộ máy nhưng vẫn phải tính đến chuyện tăng lương cơ sở, như kế hoạch đề ra cho năm tới là tăng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Phải dứt khoát làm được việc cơ cấu thì mới ra được diện đối tượng tinh giản, mà có tinh giản được mới cải cách tiền lương đáng kể.
Năm nay, việc tăng lương công chức đã bàn tới bàn lui “găng” lắm, hết phương án này tới phương án khác nhưng cuối cùng cũng chỉ chọn được phương án tăng thêm 7% thôi. Và thực chất là mình đang “nợ” tới 16% do ngân sách không đảm bảo, không cân đối được.
Nếu không đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với giao quyền tự chủ, xã hội hoá thì không thể cải cách tiền lương được.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.