Bỏ lúa trồng mía mềm, thu nhập tăng 3-4 lần
Nghèo nên phải nghĩ
Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại bản nghèo Nà Pò nên chị Miền luôn thấm thía cái vất vả cực nhọc của công việc đồng áng. Lớn lên, chị Miền làm dâu ở làng bên, trong một gia đình cũng thuần nông, ít ruộng vườn nên cuộc sống khá vất vả. “Cuộc sống chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nhưng toàn ruộng cạn, không có nước. Năm nào mưa thuận gió hòa thì còn đủ gạo ăn, năm nào nắng mưa thất thường thì mua gạo thường xuyên” - chị Miền tâm sự.
Chị Hứa Thị Miền tất bật với công việc trồng mía trên ruộng của gia đình. Ảnh: L.C |
Chị Hứa Thị Miền cho biết: Người dân ở đây trồng hai loại mía, một là giống mía mềm để bán cây, một loại khác cứng hơn là mía ép để nấu đường. Làng có truyền thống về trồng mía làm đường nên loại mía cứng được trồng rất nhiều. Nhưng loại mía mềm bán cây thì mỗi nhà trồng một ít để ăn chứ không mang bán.
Nhận thấy ngoài thị trường nhu cầu mía bán cây lớn, nên chị đã bàn với chồng bỏ lúa để trồng mía. Ban đầu các thành viên trong nhà cũng lo lắng, vì từ xưa mía nên trồng ở đất tơi xốp, độ ẩm vừa phải. Nếu trồng xuống ruộng, khi mưa nhiều nước thoát không kịp dễ dẫn đến vàng lá, cây kém phát triển do úng nước.
Chị Miền kể: “Trước đó trồng nhiều rồi nhưng chỉ trồng đất vườn cạnh nhà, chưa trồng đất ruộng bao giờ nên tôi cũng khá lo lắng. Nhiều người trong làng cũng hoài nghi nhưng vẫn động viên lên luống vét mương thật sâu là được”.
Năm đầu tiên trồng trên đất ruộng, nhờ mưa thuận gió hòa, chăm sóc tốt nên vườn mía nhà chị cây đều, đẹp và ít sâu nên thu được hơn 30 triệu đồng.
Vừa bán vừa trồng mới
Chị Miền cho biết để trồng được những cây mía đều, đẹp và đặc biệt là phải ngọt, ít sâu cũng rất vất vả, phải có nhiều năm kinh nghiệm. Sau tết người nông dân quay trở lại với công việc đồng áng cũng là lúc gia đình cày xới đất và lên luống trồng mía. Thời điểm này cũng là lúc vừa bán mía vừa trồng. Vì theo chị Miền, nếu trồng muộn mía sẽ thấp, gióng ngắn, cứng, khách mua sẽ chê và không được giá.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng mía, chị Miền cho biết: Đất trồng mía phải là đất cát thì mía mới ngọt, mềm và ít sâu. Nếu trồng trong vườn, đất quá tốt thì cây mía sẽ bị xanh, khi ăn sẽ có vị hăng. Mía sau khi trồng cần được bón phân định kỳ, hạn chế bón phân đạm vì chỉ tốt cây, đẹp lá mà mía không ngọt. Cần vun gốc cao và vun rộng ra để mía không đổ. Tháng 10 âm lịch là thời điểm nên bóc lá mía để thân mía lộ ra gặp nắng, như vậy cây mía mới ít sâu, bóng và có màu đẹp.
Trung bình mỗi phiên chợ chị mang đi bán 10 bó mía, mỗi bó 15-20 cây với giá 10.000 - 15.000 đồng/cây tùy kích cỡ và “mã” của mía. Với giá thành như hiện tại, chị ước chừng vườn mía 2 sào cho thu nhập khoảng gần 30 triệu đồng. “Bây giờ thuê xe ôtô chở đi nên mới mang được nhiều như vậy. Chứ mấy năm trước đây, tôi toàn phải đẩy bằng xe thồ. Mà cũng cần vài người hộ đẩy mà chỉ thồ được 3-4 bó đến chợ. Chiều lại lấy xe thồ ngọn mang về trồng...” - chị Miền chia sẻ.