Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Ông Erdogan trở thành Tổng thống “siêu quyền lực”
Hãng thông tấn chính thức nhà nước Anadolu, với 99% số phiếu được kiểm, ông Erdogan giành được gần 52,5% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống, vượt xa đối thủ chính là ứng cử viên Muharrem Ince đại diện cho đảng Nhân dân cộng hòa (CHP) chỉ giành được 31,5%.
Tổng thống Tayyip Erdogan và phu nhân Emine Erdogan chào người ủng hộ bên ngoài trụ sở AKP tại Ankara rạng sáng ngày 25/6. Ảnh: Reuters |
Đối thủ chính của ông Erdogan trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông Muharrem Ince của đảng CHP, đã kêu gọi các nhà giám sát bầu cử tiếp tục theo dõi tại các điểm bầu cử để đảm bảo tránh khả năng gian lận khi kết quả cuối cùng từ một số thành phố lớn, nơi đảng của ông giành được sự ủng hộ mạnh mẽ, vẫn chưa được công bố.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ Sadi Guven cho biết, với hơn 97% số phiếu được kiểm, ông Tayyip Erdogan – đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, giành được số phiếp áp đảo, qua đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 24/6. Số phiếu chưa được kiểm sẽ không làm thay đổi kết quả này.
Chiến thắng “kép”
“Từ ngày mai, chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc để hiện thực hóa những cam kết với người dân Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan nói với những người ủng hộ trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng từ trên ban công trụ sở đảng Công lý và Phát triển (AKP) tại Ankara lúc hơn 3h sáng ngày 25/6.
Ông cũng cam kết rằng, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hành động kiên quyết hơn để chống các tổ chức khủng bố, chiến dịch vốn được thực hiện từ sau âm mưu đảo chính bất thành cách đây 2 năm.
Ông Erdogan 64 tuổi, cũng tuyên bố: các lực lượng thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục “giải phóng các vùng đất Syria” để 3,5 triệu người Syria tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở về nhà an toàn.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội, với gần 98% số phiếu được kiểm, đảng AKP của Tổng thống Erdogan giành được 42% số phiếu ủng hộ và đối tác liên minh là đảng Phong trào Dân tộc (MHP) giành được 11% số phiếu ủng hộ.
Đảng Nhân dân cộng hòa (CHP) giành được 25%. Đảng HDP có quan điểm ủng hộ người Kurd giành được 11% số phiếu, cao hơn mức 10% tối thiểu cần thiết để giành được ghế trong Quốc hội. Còn đảng Tốt đẹp (Iyi) chỉ giành được 10% số phiếu.
Tỷ lệ cử tri đi bầu khá cao với 87% trong cả 2 cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/6 được coi là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ qua.
Việc đảng cầm quyền của ông Erdogan cùng liên minh đối tác MHP giành được số phiếu quá bán trong cuộc bầu cử Quốc hội sẽ là một ưu thế lớn đối với ông Erdogan. Với thế đa số ổn định của liên minh này trong Quốc hội, ông Erdogan có thể dễ dàng thông qua các chính sách.
Tổng thống “siêu quyền lực”
Trước khi trở thành Tổng thống năm 2014, ông Erdogan đã có nhiều năm làm Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 4/2017, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về bản Hiến pháp mới, theo đó Tổng thống sẽ có quyền lực lớn. Bản hiến pháp này được thông qua với tỷ lệ ủng hộ 51%.
Theo Hiến pháp mới, có hiệu lực kể từ sau cuộc bầu cử ngày 24/6, chức danh Thủ tướng sẽ bị xoá bỏ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có quyền bổ nhiệm các Phó Tổng thổng và Bộ trưởng trong nội các. Tổng thống cũng được bổ nhiệm 12/15 thành viên của Toà Hiến pháp và 6/13 thành viên của Hội đồng thượng thẩm.
Tổng thống có quyền ban hành lệnh tình trạng khẩn cấp mà không cần sự đồng ý trước của Quốc hội. Ngoài ra, Tổng thống có thể điều hành toàn bộ quốc gia bằng các sắc lệnh song song với các luật do Nghị viện soạn thảo và ban hành. Trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, Tổng thống cũng chỉ có thể bị miễn nhiệm nếu có 3/5 số Nghị sĩ tán thành.
Theo Hiến pháp mới, ông Erdogan thành một “siêu” Tổng thống cả về quyền lực và thời gian tại vị. Một nhiệm kỳ Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kéo dài 5 năm và được tái cử 1 lần. Như vậy, trên lý thuyết, ông Erdogan vẫn có thể tái tranh cử sau nhiệm kỳ Tổng thống mà ông vừa giành được trong cuộc bầu cử ngày 24/6./.