Báo động tình trạng bác sĩ cơ sở chẩn đoán nhầm
Vẻn vẹn 3% bác sĩ chẩn đoán đúng 5 bệnh thông thường
Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế, tiến hành nghiên cứu “Điều tra cơ sở y tế về năng lực cung ứng dịch vụ tại tuyến y tế cơ sở (YTCS)”. Trong bối cảnh chính ngành y đang “đói” thông tin về chất lượng dịch vụ của tuyến y tế này (điều tra quốc gia gần đây nhất cũng từ năm 2002), thì đây là một nghiên cứu có quy mô lớn, điều tra trên 1.000 bác sĩ tại 246 trạm y tế xã, 78 bệnh viện, thuộc 6 tỉnh gồm: Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Điện Biên.
Người dân xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái khám bệnh tại trạm y tế xã. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN |
Theo bà Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế, để có thể đưa ra những kết quả điều tra tin cậy, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn, quan sát trực tiếp các bác sĩ trong quá trình chẩn đoán, điều trị, kê đơn đối với 5 bệnh cơ bản thường gặp như: Tiêu chảy trẻ em, viêm phổi trẻ em, lao, tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp.
Đáng buồn, kết quả nghiên cứu phản ánh, năng lực trong khai thác bệnh sử và khám bệnh của bác sĩ tuyến huyện và xã đối với 5 bệnh thường gặp chưa đáp ứng được yêu cầu. Chỉ có 3% số bác sĩ chẩn đoán đúng cả 5 bệnh theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Khả năng bác sĩ chẩn đoán đúng và có chỉ định hợp lý rất hạn chế, đối với bệnh viêm phổi trẻ em và tăng huyết áp tỷ lệ này chỉ khoảng 50%.
Đặc biệt, tình trạng kê đơn điều trị không hợp lý và có hại còn cao. Đơn cử, đối với bệnh tiêu chảy, trong số các bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh thì có trên 20% chỉ định gây hại cho bệnh nhân. Cụ thể, bác sĩ cho trẻ dùng luôn kháng sinh trong khi hướng dẫn điều trị quy định trẻ em tiêu chảy cấp có nước mất nhẹ chưa dùng. Với bệnh viêm phổi trẻ em, tỷ lệ bác sĩ cơ sở kê thuốc có hại (sử dụng thuốc chứa corticoid) còn lên đến 68%. Trong khi, corticoid có nhiều tác dụng phụ gây hại, cần hạn chế kê đơn cho trẻ.
Đánh giá và lý giải về nguyên nhân vấn đề, bà Mai Oanh cho rằng: Kết quả nghiên cứu trên thực sự đáng báo động, đòi hỏi cần thúc đẩy mạnh mẽ chính sách đào tạo liên tục, đào tạo lại cho cán bộ y tế cơ sở. Tại 3/6 tỉnh khảo sát thuộc khu vực miền núi phía Bắc, chủ yếu các bác sĩ được đào tạo từ y sĩ lên nên chất lượng không thể bằng so với bác sĩ đào tạo chính quy. Bên cạnh đó, do cơ cấu bệnh tật hiện nay đã thay đổi (nhiều bệnh mãn tính) nên các bác sĩ YTCS cũng cần được đào tạo, cập nhật kiến thức điều trị mới. Mặt khác, chính người thầy thuốc cũng cần phải chú trọng việc tự đào tạo, cập nhật kiến thức, nhưng đây là việc không phải bác sĩ YTCS nào cũng làm được.
Cần giải pháp đồng bộ
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, chị Nguyễn Thanh Thủy, phố 8/3, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết, chẳng chờ có kết quả nghiên cứu trên thì chị và nhiều bà con lối xóm cũng đã mất niềm tin vào trình độ chuyên môn các bác sĩ tuyến YTCS.
“Người bạn thân của tôi ho, sốt về chiều, người gầy sút nhưng đi khám tại bệnh viện ngay ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chỉ được chẩn đoán là viêm phế quản, cho uống bổ phế. Đến khi, cô ấy đi khám tại tuyến trên thì mới tá hỏa là lao phổi. Tương tự, mẹ nuôi tôi bị viêm ruột thừa thì bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán là đau bụng giun và cho uống thuốc tẩy giun, may là bà lên Bệnh viện Việt Đức được mổ cấp cứu kịp thời …”, chị Thủy bức xúc cho biết trong lúc chờ tới lượt cho bé Hà Ngân (4 tuổi) khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo chị Thủy, bé Hà Ngân có BHYT tại trạm y tế nhưng chưa khi nào chị cho bé ra đó khám bệnh. Nếu ngoài giờ hành chính, chị Thủy đưa bé tới phòng khám của một bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, như hôm nay cháu mệt hơn thì chị đưa lên luôn bệnh viện cho yên tâm.
TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, cũng cho biết: “Nhiều người thân và hàng xóm nơi tôi sinh sống cũng có xu hướng muốn khám chữa bệnh tại tuyến y tế cao nhất. Cơ bản từ những sai sót, từ kết quả điều trị không hiệu quả trong thực tế, nên người dân đang thiếu niềm tin vào chuyên môn ở tuyến YTCS. Do đó, đòi hỏi ngành y tế phải sớm có giải pháp khắc phục, nếu không khó có thể giải được bài toán quá tải bệnh viện”.
Đứng ở góc độ của một nhà nghiên cứu, bà Trần Thị Mai Oanh cho rằng, để nâng cao năng lực của cán bộ YTCS, cần xác định đây là việc khó, không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Nhưng với sự kiên trì, quyết tâm của ngành y tế, sự vào cuộc của các bộ, ngành, đặc biệt của chính quyền địa phương thì chắc chắn người dân sẽ có cái nhìn thiện cảm ơn với YTCS.
“Cần triển khai một giải pháp đồng bộ cho YTCS, trong đó chú trọng đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng ưu tiên đầu tư và nâng cấp hiệu quả hoạt động của tuyến xã, huyện trong cung ứng chăm sóc sức khỏe ban đầu; đổi mới cơ chế tài chính, tăng nguồn tài chính từ ngân sách cho YTCS theo hướng tăng đầu tư kinh phí cho huyện, xã và y tế dự phong. Đặc biệt, cần đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế, khuyến khích cán bộ y tế cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, song song với đổi mới đào tạo cho cán bộ”, bà Trần Thị Mai Oanh nhấn mạnh.