An toàn vệ sinh lao động tại làng nghề truyền thống
Hệ thống giàn phơi của HTX Miến Việt Cường hiện đã được thay thế từ cột tre bằng cột bê tông và ống kẽm. |
Thùng inox đựng bột dong làm miến được thay thế cho thùng gỗ. Giàn phơi từ cột tre được thay bằng cột bê tông và ống kẽm. Hệ thống máy điện tự động thay thế cho máy quay tay trước đây. Ở HTX Miến Việt Cường, huyện Đồng Hỷ hiện đại hóa quy trình sản xuất cũng chính là cách để đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Anh Nguyễn Xuân Ba, Giám đốc HTX Miến Việt Cường cho biết: “Có thể cũng người như vậy nhưng năng suất lao động tăng lên gấp 3 lần. Đưa máy móc vào đã giảm được việc động chạm giữa con người và sản phẩm sẽ nâng chất lượng sản phẩm lên cao hơn.”
Mô hình thu gom rác thải của các chị em hội viên phụ nữ thôn Giã Trung đã góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh lao động. |
Không còn phế liệu chất đống tràn cả lối đi, bụi gỗ và nước thải sản xuất ứ đọng, thôn Giã Trung - một trong những làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nổi tiếng ở xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên giờ đây thực sự đã mang diện mạo nông thôn mới. 3 năm nay, mô hình thu gom rác thải của các chị em hội viên phụ nữ không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình trong xã.
Chị Dương Thị Hoài, thôn Giã Trung chia sẻ: “Những đồ vụn vặt này không nên bỏ, với mùn cưa chúng tôi thu mua về làm viên nén xuất khẩu, còn một số công ty về thu mua để đun lấy hơi.”
Hơn 300 hộ tham gia sản xuất tại Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ xã Tiên Phong thì quá nửa đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại… Máy cưa, máy cắt và máy đục vi tính tự động hoạt động bất kể ngày đêm. Dùng sức may thay cho sức người, nhờ có hệ thống máy móc hiện đại được đầu tư hàng tỷ đồng, giờ đây con người chỉ đóng vai trò điều khiển. Nhờ đó không chỉ năng suất lao động tăng cao mà sự cố về tai nạn lao động cũng giảm đi đáng kể.
Anh Dương Văn Thu, Chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Thu Lan, thôn Giã Trung chia sẻ: “Vì nó là máy móc nên cũng rất dễ xảy ra tai nạn không mong muốn, nên lúc nào tôi cũng dặn công nhân lao động phải cẩn thận và an toàn là trên hết.”
Các hộ dân làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ xã Tiên Phong bên cạnh đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, còn quan tâm đến đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. |
Chú trọng tuyên truyền, thay đổi nhận thức của từng hộ dân về vai trò của an toàn vệ sinh lao động đã góp phần giúp xã Tiên Phong hoàn thành tiêu chí khó nhất để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM vào năm 2018.
Ông Hà Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho biết: “Từ những hoạt động, những mô hình này, UBND xã đã nhân rộng ra các thôn, xóm ở trên địa bàn để hoạt động, mang lại hiệu quả cao, góp phần vào việc hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.”
Tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 240 làng nghề được công nhận, trong đó có đến gần 200 làng nghề chế biến chè, hàng chục làng nghề chế biến thực phẩm cùng các làng nghề mộc, mây tre đan,...Thực tế triển khai mô hình an toàn vệ sinh lao động đã cho thấy từ tư duy thay đổi của người dân cho tới việc hình thành phương thức sản xuất mới sẽ là nền tảng quan trọng để Thái Nguyên thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững làng nghề, nâng cao đời sống và kinh tế ở khu vực nông thôn./.