an can giao duc thiet thuc se chia
Cán bộ Lữ đoàn 434 động viên chiến sĩ mới.

“Đã xin phép trở về đơn vị nhưng người thân trong gia đình cứ nắm chặt tay tôi nói lời cảm ơn, họ quá bất ngờ khi lãnh đạo đơn vị đến tận bệnh viện thăm thân nhân chiến sĩ mới”, Thượng tá Dương Kim Tần giải thích.

Theo lời kể của anh Tần, mấy ngày trước, đơn vị nghe tin có đến 4 thân nhân của một chiến sĩ mới thuộc Tiểu đoàn 1 bị tai nạn, phải đưa vào bệnh viện điều trị. Chỉ huy lữ đoàn trực tiếp đến thăm, thông báo tới cán bộ, sĩ quan và mọi người đã ủng hộ được hơn 5 triệu đồng để hỗ trợ. Đây không chỉ là sự giúp đỡ, sẻ chia với người gặp nạn mà còn là cách giáo dục, quản lý tư tưởng chiến sĩ ở Lữ đoàn 434 theo phương châm “thiết thực, mẫu mực, ân cần, hiệu quả cao”.

Với cách làm đó, nhiều chiến sĩ ở các đơn vị trực thuộc lữ đoàn đã nhận sự giúp đỡ, sẻ chia tận tình, thiết thực từ lãnh đạo, chỉ huy các cấp mỗi khi gặp khó khăn. Để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ luôn chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng và những thông tin tác động đến tâm lý chiến sĩ theo quan điểm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ). Đơn vị thực hiện tốt công tác chính sách, phối hợp với địa phương và gia đình để giáo dục chiến sĩ. Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Chính trị lữ đoàn, cho biết: “Đối với đơn vị quản lý chiến sĩ mới, cơ quan chính trị hướng dẫn triển khai cho bộ đội viết tâm sự, tập trung vào một số nội dung, như: Hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp trước khi nhập ngũ, mối quan hệ bạn bè, sở trường, sở đoản, sở thích, hình thức tham gia mạng xã hội, mong ước tương lai… Đây là cơ sở ban đầu giúp cán bộ phân loại, nắm tư tưởng, tình cảm, trình độ, nguyện vọng của chiến sĩ để có biện pháp định hưởng, giúp đỡ, quản lý phù hợp”.

Cụ thể hóa phương châm thành biện pháp cụ thể, cán bộ các cấp trong lữ đoàn thường xuyên bám nắm chiến sĩ ngay từ khi mới được biên chế về đơn vị; chủ động gặp gỡ, trò chuyện để tìm hiểu đời sống tình cảm bộ đội, nhất là những trường hợp cá biệt, có hoàn cảnh éo le, khó khăn, bất hạnh. Chẳng hạn như trường hợp chiến sĩ Phạm Nguyễn Thành Phát, thuộc Trung đội 2, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1). Ngày mới nhập ngũ, Phát ăn chay nên đến bữa chỉ ăn cơm với rau và muối trắng. Thời gian đầu, chỉ huy đại đội đề nghị nhà bếp làm món chay riêng cho Phát và cử cán bộ tìm hiểu vì sao, từ khi nào Phát có thói quen ấy? Sau vài lần trò chuyện, Trung úy, Trung đội trưởng Nguyễn Đức Nam biết được nguyên nhân từ ngày mẹ Phát bị tai nạn qua đời, Phát quyết định ăn chay. Trung úy Nguyễn Đức Nam tâm sự: “Nắm được hoàn cảnh của Phát, tôi dành thời gian gần gũi, động viên, phân tích cho Phát hiểu nỗi nhớ thương nên nén ở trong lòng, bản thân mình phải khỏe mạnh, phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng tốt mới thực sự là người con có hiếu. Đồng thời, nhân dịp bố của Phát lên thăm đơn vị, tôi đã đề nghị gia đình phối hợp động viên, khuyên nhủ làm thay đổi suy nghĩ của Phát. Kiên trì phân tích, ân cần sẻ chia, sau gần 2 tuần, Phát đã từ bỏ thói quen, ăn uống bình thường trở lại”.

Sự ân cần, tận tâm của đội ngũ cán bộ Lữ đoàn 434 đã làm chuyển biến nhận thức, hành vi của chiến sĩ mới theo hướng tích cực. Do đặc điểm vùng miền nên nhiều chiến sĩ trước khi nhập ngũ hay uống rượu. Để làm gương cho chiến sĩ, đội ngũ cán bộ không chỉ giáo dục bằng lời nói mà thể hiện qua hành động, không đồng chí nào uống rượu trong suốt thời gian huấn luyện chiến sĩ mới. Hoặc để chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ nhà, cán bộ thường xuyên trò chuyện, tổ chức các hoạt động vui nhộn trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Những cán bộ nhà gần đơn vị, dù thời gian không trực cũng tự nguyện ở lại theo sát bộ đội để tăng thêm sự gần gũi, hòa đồng, gắn bó cán-binh. Chiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, thuộc Trung đội 2, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1), tâm sự: “Dù đã khá quen với môi trường tập thể trong suốt 4 năm đại học, nhưng thời gian đầu vào quân ngũ tôi vẫn bỡ ngỡ và có chút lo lắng. Thế nhưng, nhờ sự ân cần chỉ bảo, hướng dẫn, động viên và sự gương mẫu của các anh cán bộ, tôi đã tự tin học tập, công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

Mới đây, gặp Đại tá Trần Anh Hiểu, Lữ đoàn trưởng, chúng tôi được nghe anh kể về cảm xúc đáng trân trọng của phụ huynh một chiến sĩ mới quê ở quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh). Trong một lần cùng chính quyền, đoàn thể quận Bình Thạnh đến thăm đơn vị, chứng kiến con mình tích cực nhặt cỏ, tưới rau, tăng gia sản xuất, rồi tự giặt quần áo mang phơi ngay ngắn…, ông đã ôm chầm lấy Đại tá Trần Anh Hiểu nói lời cảm ơn: “Trước khi đi bộ đội, chưa bao giờ nó gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe của tôi dù đi dã ngoại với bạn bè cả tháng; chưa bao giờ nó cầm chổi quét nhà, nấu cơm, hay tự tay giặt quần áo… Vậy mà hơn một tháng nay, chủ nhật nào nó cũng gọi điện thoại về động viên bố mẹ giữ gìn sức khỏe, căn dặn em chăm ngoan, học giỏi. Cả nhà tôi mừng rơi nước mắt!”.

Đại tá Trần Anh Hiểu tâm đắc: “Đó là nhờ đội ngũ cán bộ mẫu mực nêu gương, giáo dục chiến sĩ biết tự lập, biết thương yêu đồng chí, đồng đội, kính trọng cha mẹ, thể hiện chữ hiếu bằng kết quả tu dưỡng rèn luyện. Sự trưởng thành của chiến sĩ, niềm vui của gia đình, địa phương chính là nguồn cổ vũ lớn lao để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”.