“Âm nhạc là sợi dây kết nối thính giả đến với phát thanh gần nhất“
Để có được buổi tọa đàm này, TS Lonan O Briain đã phải đến trực tiếp các cơ quan phát thanh để tìm hiểu, tìm gặp phỏng vấn những người có liên quan, nghiên cứu những tài liệu lưu trữ lâu đời...
TS Lonan O Briain muốn tìm hiểu xem với chiếc micro thì những người làm phát thanh đã làm thế nào để thông qua làn sóng có thể vươn tới hàng vạn thính giả.
TS Lonan O Briain chia sẻ: "Thời xưa, việc nói trên một chiếc micro chỉ cho khoảng 40-50 người nghe là cùng, tuy nhiên, nhờ làn sóng phát thanh mà những thông điệp thời kháng chiến được gửi đi xa hơn. Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình. Làn sóng phát thanh cũng là nơi phổ biến các loại hình âm nhạc, các bài hát mang dấu ấn Việt Nam".
TS Lonan O Briain. |
Nói riêng về âm nhạc trên làn sóng phát thanh, TS Lonan O Briain cho biết, trong thời kỳ chiến tranh, Việt Nam ít có cơ hội được tiếp cận với những công nghệ phát thanh tiên tiến nhất. Các kỹ sư, công nhân phải tìm cách để xây dựng cột sóng tránh sự chống phá của địch; tìm cách chế tạo những chiếc máy thu thanh với vật liệu đơn giản, giá thành rẻ để phổ biến với người dân. Bởi vậy âm nhạc thời kỳ đó chỉ quan trọng nội dung chứ không truyền tải hết chất lượng.
Giai đoạn chiến tranh Đông Dương (1946-1954), chỉ có hai kiểu phát nhạc trên sóng phát thanh Việt Nam: Một là mở những đĩa nhạc đã được thu âm trước, hai là hát trực tiếp. C
ác chương trình âm nhạc chỉ có nhạc phương Tây, nhạc giao hưởng. Những đĩa nhạc phương Tây hiếm hoi được phát đi phát lại trên đài. Nhiều bản ballad nổi tiếng của Việt Nam được viết vội vàng và do ca sĩ không chuyên hát trực tiếp vì không có thiết bị thu âm.
TS Lonan O Briain cho biết: "Ở thời đó, những bản nhạc của Phạm Tuyên, Hoàng Dương, Văn Chung, Văn Cao, Nguyễn Đức Toàn... không phải dễ để đến được với thính giả vì thời kỳ đó đâu phải ai cũng có đài để nghe, mà đài cũng chưa phổ cập đến khắp mọi nơi như hiện nay".
Chỉ đến khi có công cụ thu âm mới mở ra một cánh cửa mới cho giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Các bài hát được thu âm liên tục, tạo ra sự phong phú về các thể loại, các chương trình được phát sóng (dù không quá nhiều). Âm nhạc được sử dụng như công cụ chính để thu hút thính giả nghe đài, từ những bài hát như “Tiến về Hà Nội’, “Hà Nội 49”, “Võ Thị Sáu”, “Mẹ Suốt”... Song, do hạn chế về micro, âm nhạc bị tạo ra những tiếng vang nhất định.
Âm nhạc được sử dụng như công cụ chính để thu hút thính giả nghe đài |
Kể từ sau Hiệp định Geneve, một số cơ quan chuyên về phương tiện truyền thông âm nhạc đã được thành lập tại Hà Nội. Theo TS Lonan O Briain, trong thời gian hòa bình ngắn ngủi này, các nhạc công, nhạc sĩ và nhà sản xuất có thể thu âm trước bài hát, sử dụng hệ thống thu âm băng từ, nhiều chương trình âm nhạc đa dạng được sản xuất...
Cách thức sử dụng âm nhạc cũng dần được cải thiện như thay thế những tiếng bip đơn điệu, trở thành những đoạn nhạc cắt chuyển chương trình hoặc nhạc hiệu. Quan trọng hơn, làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam gần như trở thành nơi duy nhất có thể phổ biến âm nhạc một cách nhanh chóng và sâu rộng nhất. Đó chính là lý do, nhiều tác phẩm dù sáng tác vội vàng nhưng lại có sức sống với thời gian và thường xuyên được sử dụng trên sóng.
Sự nở rộ của phát thanh khiến các đơn vị làm phát thanh phải thay đổi từ cách thức sản xuất đến cả cơ cấu tổ chức. Đài Tiếng nói Việt Nam - cơ quan phát thanh lớn nhất bấy giờ phải tăng cường thêm các thiết bị, cải thiện kỹ thuật truyền thanh, củng cố công tác lưu trữ dữ liệu; thành lập những tiểu ban nhỏ về nghệ thuật biểu diễn như kịch, ca Huế, chèo, cải lương, nhạc thiếu nhi, nhạc dân tộc... để đáp ứng nhu cầu mở rộng của độc giả.
Vào thời bình và tiến dần đến sau này, phát thanh không còn đứng ở vị trí độc tôn trong việc chuyển tải âm nhạc đến công chúng. Nhưng khi nhìn vào lịch sử âm nhạc trên sóng phát thanh, TS Lonan O Briain vẫn khẳng định: "Âm nhạc chính là sợi dây kết nối thính giả đến với phát thanh một cách gần nhất. Để lôi kéo được khán giả đến với phát thanh thì âm nhạc đóng vai trò quan trọng".
Trong bối cảnh các đài phát thanh hiện nay đang được nghiên cứu thảo luận để dỡ bỏ thì buổi tọa đàm như một cơ hội để chúng ta nhìn lại vai trò quan trọng của phát thanh. Dù xã hội ngày càng phát triển, nhiều loại hình báo chí mới nổi lên nhưng phát thanh vẫn giữ vị trí nhất định trong truyền thông đại chúng./.