adb nang du bao tang truong cua cac nuoc dang phat trien o chau a
Ảnh minh họa. (Nguồn: ABC)

Trong báo cáo cập nhật về Triển vọng Phát triển châu Á, ADB cho biết nhu cầu xuất khẩu cao hơn dự báo trong quý I/2017 là yếu tố chính để định chế tài chính có trụ sở tại Manila này nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á so với con số đưa ra hồi tháng 4 vừa qua là 5,7% cho cả hai năm 2017 và 2018.

Theo báo cáo trên, tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực, trong 2 năm này cũng được nâng từ 6,5% và 6,2% lên lần lượt là 6,7% và 6,4%, nhờ xuất khẩu và chi tiêu tăng.

Nhà kinh tế hàng đầu của ADB Yasuyuki Sawada khẳng định: "Bất chấp tình trạng phục hồi chưa chắc chắn kéo dài của kinh tế thế giới, chúng tôi cho rằng các nền kinh tế khu vực có sự chuẩn bị tốt để có thể đối mặt với các cú sốc có thể xảy ra."

ADB cũng giảm mức dự báo lạm phát từ 3% xuống 2,6% trong năm nay và từ 3,2% xuống 3% trong năm 2018.

Theo ADB, mức lạm phát của toàn châu Á vẫn ở dưới mức kiểm soát, nhờ giá nhiên liệu và thực phẩm ổn định.

Theo ADB, Nam Á vẫn là khu vực có mức tăng trưởng nhanh nhất trong tất cả những tiểu vùng thuộc châu Á-Thái Bình Dương, với dự báo đạt mức tăng trưởng đưa ra ban đầu là 7% trong năm nay và 7,2% trong năm kế tiếp.

Ấn Độ là nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Á, được dự báo đạt được mức tăng trưởng đưa ra trước đó là 7,4% và 7,6% nhờ tiêu dùng tăng mạnh.

Khu vực Đông Nam Á được dự báo vẫn duy trì tăng trưởng ở mức 4,8% trong năm 2017 và 5,0% trong năm tới. Nhờ xuất khẩu và nhu cầu trong nước tăng mạnh tại một số nước, chỉ số tăng trưởng của khu vực Trung Á cũng được dự báo tăng lần lượt lên 3,2% và 3,8%, so với dự báo 3,1% và 3,5% trước đó./.