8 sự kiện CNTT thế giới nổi bật năm 2017
1. iPhone X ra mắt, đánh dấu 1 thập kỷ điện thoại Apple
Rạng sáng 13/9 (giờ Việt Nam), Apple chính thức trình làng chiếc điện thoại iPhone X, đánh dấu 1 thập kỷ điện thoại Apple. Từ khi ra mắt năm 2007, iPhone luôn đứng đầu trong danh sách những thiết bị công nghệ nóng bỏng nhất và tốn kém nhiều giấy mực nhất từ giới truyền thông. iPhone xô ngã các “tượng đài” và giúp cho nhiều tên tuổi khác nổi lên.
Với iPhone, Apple đã làm thay đổi cả một nền công nghiệp sản xuất, thay đổi thói quen, hành vi của hàng triệu người. |
iPhone X được trang bị nhiều tính năng tân kỳ, trong đó nổi bật là tính năng FaceID- nhận diện bằng khuôn mặt. Người dùng chỉ cần nhìn vào điện thoại là máy sẽ mở khoá. Ngay sau khi ra mắt, iPhone X lập tức “cháy hàng” và trên chợ đen, thiết bị này bị đẩy giá lên mức không tưởng, có nơi lên tới 5.000 USD. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau khi đưa vào sử dụng thực tế, tính năng FaceID cho thấy đây không phải là giải pháp bảo mật hoàn hảo khibị qua mặt bởi những cặp song sinh, hai anh em ruột (nhưng không song sinh), thậm chí là cả mặt nạ.
2. Robot đầu tiên được được cấp quyền công dân
Đây là một sự kiện đáng chú ý nhất năm qua và là cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại, mở ra tầm nhìn mới trong tương lai và qua đó cho thấy sự tiến bộ của ngành công nghệ thông tin thế giới.
Robot có tên Sophia đã được cấp quyền công dân tại Ả Rập Saudi trong một sự kiện thương mại diễn ra ở thành phố Riyadh. Động thái cấp quyền công dân cho robot được coi là một nỗ lực để thúc đẩy Saudi trở thành nơi phát triển trí thông minh nhân tạo trong tương lai.
Sophia được xây dựng với kích thước một người trưởng thành với gương mặt khả ái, có đầy đủ mắt mũi, chân tay và công việc chính của đó là chăm sóc người già, hỗ trợ khách tới dự tại công viên hay các sự kiện lớn. Sophia đã có màn phát biểu hết sức thú vị tại sự kiện được công nhận là công dân của quốc gia này: "Tôi rất vinh dự và tự hào về sự khác biệt độc đáo này. Đây là cột mốc mang tính lịch sử khi một robot đầu tiên trên thế giới được chính thức công nhận với quyền công dân".
3. Hệ thống máy tính toàn cầu “lao đao” vì mã độc tống tiền WannaCry
Tháng 5/2017, WannaCry, loại mã độc được xem là một trong những loại mã độc tống tiền nguy hiểm nhất lịch sử đã lây nhiễm một cách chóng mặt trên toàn cầu, với hàng chục ngàn máy tính tại hơn 100 quốc gia bị ảnh hưởng, trong đó có cả Việt Nam.
Khi bị lây nhiễm, WannaCry sẽ mã hóa dữ liệu trên máy tính của người dùng và đòi hỏi số tiền chuộc 300USD để giải mã các dữ liệu này, nếu không các dữ liệu sẽ bị xóa bỏ. WannaCry khai thác một lỗ hổng bảo mật trên Windows mà trước đây đã từng được Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ sử dụng để tấn công vào các máy tính chạy Windows.
Loại mã độc này chỉ được ngăn chặn khi Microsoft phát hành bản vá lỗi dành cho Windows và các hãng bảo mật cập nhật cách thức nhận diện WannaCry. Hiện thủ phạm thực sự của loại mã độc này vẫn còn là điều bí ẩn.
4. Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo
Trí thông minh giờ đây đã không còn là đặc sản của sinh vật sống, mà được nghiên cứu và phát triển trên những cỗ máy tưởng như vô tri vô giác. Máy móc giờ đây có thể nhận diện chính xác khuôn mặt, lái xe, đánh bại kiện tướng cờ vua và thậm chí phát hiện nói dối.
Để có được sự thông minh như một con người, một hệ thống AI phải đưa ra hàng loạt quyết định đúng trong những điều kiện phức tạp và thay đổi liên tục để phù hợp với tình huống. Mặc dù chưa thể thích ứng được một cách hoàn thiện với các công việc được giao, nhưng rất nhiều chuyên gia bày tỏ sự tin tưởng vào thành công của AI trong tương lai gần.
Một vấn đề được đông đảo cộng đồng quan tâm đó là sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo có thể “cướp đi” công việc của rất nhiều người. Tuy nhiên, giới chuyên môn lại cho rằng chúng đồng thời sẽ mang đến một cuộc sống mới hiện đại hơn và giúp chúng ta đạt được những bước tiến không ngờ.
5. Cơn sốt tiền ảo và Bitcoin lên tới đỉnh điểm
Được ra mắt từ khoảng 8 năm, nhưng bitcoin mới thực sự trở thành một “hiện tượng” trong khoảng nửa cuối năm 2017 nhờ mức tăng trưởng “phi mã” của mình, có thời điểm gấp tới 20 lần so với giá trị ghi nhận đầu năm, kéo theo đó là cơn sốt tại nhiều khu vực trên thế giới.
Điểm nhấn khiến người ta chú ý tới bitcoin đó là nó có cách hoạt động khác hẳn so với các loại tiền tệ điển hình, đó là dựa vào một giao thức mạng ngang hàng trên Internet (p2p), đồng thời không có một ngân hàng trung ương nào quản lý nó bao gồm các giao dịch và toàn bộ hệ thống.
Những người chơi bitcoin hoặc vô tình sở hữu đồng tiền ảo này từ thời kỳ đầu đều đã trở thành những triệu phú gia, thậm chí là tỷ phú nhờ vào mức tăng ấn tượng. Thị trường cũng ghi nhận ngày một nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực tiền ảo, không chỉ riêng bitcoin, mà cả những đồng tiền ảo khác như Bitcoin Cash, Litecoin, Ethereum,… cũng được đặc biệt quan tâm.
6. Facebook trở thành “ổ phát tán” tin tức giả mạo
Với 2 tỷ người dùng hàng tháng, Facebook đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày khi mà nhiều người lựa chọn Facebook như một kênh tin tức để cập nhật thông tin, thay vì sử dụng các trang báo chính thống khác.
Tuy nhiên có quá nhiều người dùng khiến việc quản lý những tin tức được chia sẻ và lan truyền trên mạng xã hội này trở thành bất khả thi, dù Facebook đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để lọc tin tức trên mạng xã hội của mình, cả cách thủ công lẫn tự động.
Các tin tức giả mạo được lan truyền nhanh chóng trên Facebook đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người, thậm chí cả những vấn đề trọng đại. Thậm chí trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, những tin tức giả mạo trên Facebook cũng được cho là đóng vai trò quan trọng đến kết quả của cuộc bầu cử khi nhiều cử tri Mỹ đã tin vào các thông tin được chia sẻ trên Facebook, dù đôi khi chúng không chính xác, để quyết định cho lá phiếu của mình.
7. Uber lao đao vì nhà sáng lập bất ngờ từ chức khỏi ghế CEO
Tháng 6/2017, Travis Kalanick đã bất ngờ từ chức khỏi vị trí CEO của Uber, công ty do chính mình sáng lập và có công lớn phát triển thành một hãng công nghệ lớn trên thế giới. Quyết định từ chức của Kalanick xảy ra không lâu sau khi hàng loạt nhân sự cao cấp của Uber cũng rời bỏ công ty đã khiến Uber gặp không ít khó khăn.
Năm 2017, Uber đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng về truyền thông khiến hình ảnh của công ty bị giảm sút, trong đó nhiều cáo buộc các tài xế của Uber đã quấy rối tình dục hành khách nữ, nhưng công ty đã che giấu và không điều tra cụ thể. Nhiều giám đốc cao cấp cũng đã liên tục rời bỏ khỏi công ty trong năm qua. Mới đây tòa án tại châu Âu đã ra phán quyết xem Uber như là một dịch vụ taxi, nghĩa là công ty này cũng sẽ phải chịu sự quản lý và các luật lệ tương tự như các hãng taxi đang hoạt động tại châu Âu.
8. Yahoo bán mình, kết thúc một triều đại Internet
Yahoo từng là nhà tiên phong, người khổng lồ trong lĩnh vực Internet, thậm chí từng có ý định “mua đứt” những “đại gia công nghệ” khác như Facebook khi mạng xã hội này mới thành lập... Trang web yahoo.com từng được truy cập nhiều nhất tại Mỹ vào những năm 2000 và là “cái bóng” lớn che phủ cả Google khi hãng mới được thành lập. Tuy nhiên kinh doanh liên tục thua lỗ, bị Google cạnh tranh, vượt qua trên lĩnh vực tìm kiếm và tin tức... khiến Yahoo không còn giữ được vị thế của mình.
Cuối cùng, vào ngày 25/7/2017, Yahoo cũng đã phải chấp nhận “bán mình” với giá 4,48 tỷ USD cho Verizon, một cái giá được xem là “bèo bọt” cho một kẻ từng là người khổng lồ, đặt dấu chấm hết cho một “triều đại” thống trị trên Internet.