80% ca bệnh là trẻ dưới 3 tháng tuổi

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh ho gà trong hai tháng gần đây có sự gia tăng do thời điểm mùa đông xuân lạnh và ẩm nên số lượng ca mắc ho gà cũng ghi nhận nhiều hơn.

Hai tháng đầu năm 2017, các ca mắc ho gà rải rác tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam… trong đó Hà Nội có ca mắc cao nhất với 10/55 trường hợp, trong đó một ca tử vong. 4 trường hợp tử vong khác tại Cao Bằng, Nam Định (2 ca), Nghệ An.

5 tre tu vong ba bau co nen tiem vac xin phong ho ga
Ho gà là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng trẻ. Trong ảnh, một bệnh nhi mắc ho gà điều trị tại BV Nhi Trung ương.

TS Phu cho biết, đại đa số các ca bệnh là trẻ dưới 3 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc xin, chưa tiêm vắc xin hoặc mới tiêm được một mũi vắc xin.

“Số ca mắc đại đa số là trẻ nhỏ cho thấy, tỉ lệ tiêm ngừa vắc xin ho gà ở trẻ em là đạt hiệu quả. Vì nếu tỉ lệ tiêm chủng những năm qua không cao, số ca bệnh phải xảy ra ở trẻ lớn nhiều hơn. Tuy nhiên ca mắc đại đa số là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm cho thấy là nhỏ lẻ những trẻ không nhận được miễn dịch từ mẹ”, TS Phu nói.

Theo TS Phu, việc quan trọng nhất trong thời điểm này là tập trung phát hiện ca bệnh sớm để điều trị, giảm tử vong, hạn chế thấp nhất số ca chết.

“Đặc biệt việc phát hiện sớm ở địa phương là quan trọng để điều trị hiệu quả. Cán bộ y tế phải nhạy cảm với dịch tễ. Thấy bệnh nhi ho, viêm phổi trong thời điểm này phải nghĩ đến nguy cơ ho gà chứ chỉ chẩn đoán viêm họng, viêm phổi, viêm amidan… Bộ Y tế sẽ ưu tiên tập huấn cho những vùng phía Bắc có ca bệnh”, TS Phu nói.

Có nên tiêm vắc xin ho gà cho bà bầu?

TS Phu cho biết, miễn dịch của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ trẻ khỏi mắc bệnh khi chưa đến tuổi tiêm phòng. Những trẻ có miễn dịch từ mẹ truyền sang giảm nguy cơ mắc bệnh ở giai đoạn này. Vì thế, phải cho trẻ đi tiêm đầy đủ đúng lịch sớm (khi trẻ tròn 2 tháng tuổi, không nên để 4 - 5 tháng mới tiêm vì miễn dịch từ mẹ truyền sang giảm, có nguy cơ mắc bệnh). Ngoài ra, mũi nhắc lại lần 4 khi trẻ được 18 tháng rất quan trọng trong việc kéo dài miễn dịch sau này để truyền cho con.

Vậy thai phụ có nên tiêm ngừa vắc xin để tạo miễn dịch chủ động truyền cho trẻ? TS Phu cho biết, vắc xin ngừa ho gà dành cho người lớn nhà sản xuất khuyến cáo tiêm cho lứa tuổi từ 6 - 64 tuổi và phụ nữ mang thai 20 tuần. Tại Mỹ năm 2011 cũng khuyến cáo tất cả phụ nữ có thai trước đây không tiêm phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván nên được tiêm vắc xin ở giai đoạn sau tuần thứ 20 của thai kỳ để truyền kháng thể thụ động đến thai nhi/trẻ sơ sinh nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh cho trẻ, đặc biêt trong 3 tháng đầu của tuổi đời.

Tuy nhiên, TS Phu cho rằng: “Với người lớn, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên khuyến khích tiêm trước khi mang thai. Còn với phụ nữ mang thai cần thận trọng, việc tiêm ngừa chỉ nên thực hiện khi có sự hướng dẫn của cơ quan y tế, với phụ nữ mang thai vùng có dịch”, TS Phu nói.

Hiện Bộ Y tế đang giao cho Cục Quản lý Dược, Chương trình Tiêm chủng mở rộng xem xét để có hướng dẫn cụ thể như trường hợp nào nên tiêm, vùng nào nên tiêm.

TS.BS. Dương Thị Hồng, Phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, Viện đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá tính sinh miễn dịch của vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván ở phụ nữ mang thai tại tỉnh Hà Nam trong giai đoạn từ tháng 2/2012 - 3/2014. Kết quả cho thấy vắc xin là an toàn. Tất cả trẻ em sinh ra từ các phụ nữ có thai đều khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Việc tiêm ngừa mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ phòng bệnh uốn ván cho mẹ và cho trẻ sơ sinh, mà kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rõ tác dụng phòng bệnh ho gà. Nồng độ trung bình kháng thể bảo vệ bà mẹ và của trẻ sơ sinh phòng bệnh ho gà ngay sau sinh ở nhóm các bà mẹ được tiêm bạch hầu – ho gà – uốn ván cao hơn rất rõ rệt sau khi tiêm chủng là 6,36 lần. Kháng thể bảo vệ phòng bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh có xu hướng cao hơn trong máu bà mẹ tại thời điểm ngay khi trẻ chào đời.