4G đã "đặt chân" đến A Pa Chải, điểm cực Tây của Tổ Quốc
Mạng 4G Viettel đã sẵn sàng đến tay người dùng |
Theo kế hoạch trước đó Viettel, ngày 10/4, nhà mạng này sẽ hoàn tất việc phủ sóng 4G đến tất cả các quận huyện trên toàn quốc với 36.000 trạm thu phát sóng. Đại diện từ Viettel cũng khẳng định đã sẵn sàng để ra mắt chính thức 4G trên phạm vi toàn quốc trong tháng 4 này. Người dân ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đều sẽ được dùng 4G.
Có mặt thực tế tại A Pa Chải chiều ngày 11/4, một cao điểm cực Tây của tổ quốc, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, PV ghi nhận mạng 4G đã được phủ sóng đầy đủ tại đây. Đứng trên cột mốt số 0 của A Cha Pải, nơi có đường biên giới tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc , các thiết bị sử dụng SIM Viettel đã có thể sử dụng 4G một cách dễ dàng nhất.
Ông Hoàng Mạnh Hưng, giám đốc kỹ thuật Viettel tỉnh Điện Biên cho biết: "A Pa Chải là một trong 8 xã thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã được lắp trạm phát thu phát sóng 4G. Dự kiến đến hết tháng 4, toàn huyện Mường Nhé gồm 11 xã sẽ được phủ sóng (còn 3 xã chưa được phủ sóng 4G)".
Ông Hưng cũng cho biết thêm, việc phủ sóng 4G tại A Pa Chải có một ý nghĩa hết sức đặc biệt đến phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Trải nghiệm 4G tại điểm cực tây A Pa Chải
Trải nghiệm 4G thực tế tại A Pa Chải, tốc độ mạng kết nối luôn được đảm bảo ngay trong khu vực này. Ở trên điểm mốc 0, tốc độ download từ 25 Mbps tới 70 Mbps, tốc độ upload từ 16 Mbps đến 30 Mbps.
Ở phía dưới điểm cực khoảng độ cao dưới 1.600 mét, tốc độ thử nghiệm download lên đến 90,10 Mbps, tốc độ upload lên đến 36,94 Mpbs.
Ngoài điểm cực Tây A Pa Chải, mạng 4G cũng đã được phủ sóng ở 3 cực còn lại của Tổ quốc là là cực Bắc Lũng Cú, cực Đông Mũi Đôi, và cực Nam Mũi Đất.
Viettel cho hay, hiện tại đã có đến 36.000 trạm thu và phát sóng của nhà mạng này trên toàn quốc, phủ 95% dân số. Việc thực hiện lắp đặt mất gần 6 tháng.
Mạng 4G của Viettel sử dụng công nghệ 4 thu, 4 phát, công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay. Trong khi đó, tại Mỹ, các nhà mạng sử dụng công nghệ cũ 2 thu, 2 phát. Theo Erricsson, đây là mạng lớn nhất trên thế giới, được đầu tư nhanh nhất trên thế giới. Như vậy, mặc dù Việt Nam là nước đứng thứ 160 về kinh tế trên thế giới nhưng lại đầu tư một mạng lưới viễn thông lớn nhất thế giới.
Việc đầu tư này thể hiện cam kết của Viettel trước đó, đến năm 2020, mỗi người dân Việt Nam đều sẽ có một chiếc điện thoại smartphone có thể truy cập Internet để giải trí, học tập, kiếm sống. Viettel cho rằng smartphone và băng rộng di động là một cơ hội cho những quốc gia đang phát triển. Để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và người nghèo thì không phải là việc dễ dàng và sẽ phải mất một thời gian rất dài.