Nhiều điểm mới tiến bộ

Tại Quân đoàn 3, QNCN là lực lượng nòng cốt của đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý; còn CNVCQP được bố trí theo vị trí việc làm thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị sản xuất, sửa chữa, cải tiến, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, đơn vị quân y và các đơn vị bảo đảm, phục vụ thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và các nhiệm vụ khác. Lực lượng QNCN, CNVCQP chiếm tỷ lệ quân số cao, do vậy, sự thay đổi của Luật QNCN, CNVCQP đã tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của bộ đội khi thực hiện nhiệm vụ.

som quy dinh ro cac chuc danh dac thu

Huấn luyện vận hành xe xích lội nước vượt sông ở Tiểu đoàn Công binh 17, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3).

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc xác định đúng vị trí, chức năng của QNCN, CNVCQP có vai trò hết sức quan trọng, làm cơ sở để hoạch định chế độ, chính sách với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt. Luật ra đời và được thi hành đã thực sự đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo QNCN, CNVCQP. Đặc biệt là luật này đã đề cập sâu sắc đến quyền, nghĩa vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách đối với QNCN, CNVCQP; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, yêu cầu chặt chẽ bảo đảm xây dựng đội ngũ này có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng cao.

Thiếu tá QNCN Trần Văn Khá, nhân viên Ban Quân lực, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 31, chia sẻ: “Được cơ quan phân công nhiều năm làm mảng bảo hiểm, chính sách cho QNCN, CNVCQP nên tôi nghiên cứu rất kỹ các nội dung liên quan, từ khi có luật ra đời và các thông tư hướng dẫn, chúng tôi giải quyết chế độ chính sách cho anh em rất dễ, bảo đảm đúng nguyên tắc, chế độ mà không bị vướng mắc như trước. Đơn cử như đối với những đồng chí QNCN, CNVCQP đóng quân cách xa gia đình từ 500km trở lên được nghỉ phép thêm 10 ngày mỗi năm hay việc con cái kết hôn được nghỉ phép đặc biệt là một ví dụ”.

Trung tá QNCN Trần Thu Oanh, phụ trách Xưởng may, Cục Hậu cần Quân đoàn 3, tâm sự: “Tại đơn vị chúng tôi, tỷ lệ phụ nữ chiếm đa số. Hầu hết chị em làm công tác chuyên môn qua tuổi 40, có tay nghề vững, nếu theo luật cũ thì sang năm phải đề nghị giải quyết về nghỉ hưu, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho đơn vị. Song, thực hiện luật mới nâng tuổi công tác đã giúp tránh mất nguồn nhân lực có chất lượng cũng như tạo tâm lý tốt cho chị em tiếp tục công tác khi còn ở độ tuổi sung sức, đồng thời phù hợp với Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành”.

Băn khoăn và kiến nghị

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đinh Hồng Sơn, Trưởng phòng Quân lực, Bộ Tham mưu, Quân đoàn 3, cho biết: Từ khi Luật QNCN, CNVCQP được Quốc hội thông qua, quân đoàn đã có dự báo, hướng dẫn hướng giải quyết, nhu cầu số lượng. Nhờ vậy, bước đầu đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của những quân nhân có nhu cầu nghỉ hưu cũng như tiếp tục công tác. Tuy nhiên hiện nay, ở một số đơn vị, chỉ huy đang vướng mắc trong thực hiện Thông tư 113/2016/TT-BQP ngày 23-8- 2016 của Bộ Quốc phòng quy định về chế độ nghỉ của QNCN, CNVCQP. Cụ thể, tại Điều 4 của thông tư này quy định: “Hằng tuần, QNCN, CNVCQP được nghỉ ngày thứ bảy, ngày chủ nhật. Đối với các đơn vị do tính chất, nhiệm vụ đặc biệt không thể nghỉ ngày thứ bảy và ngày chủ nhật thì người chỉ huy đơn vị có thẩm quyền sắp xếp cho QNCN, CNVCQP nghỉ bù vào ngày khác trong tuần”. Ở đây, nếu những đơn vị làm công tác bảo đảm, phục vụ thì bố trí sắp xếp nghỉ bù không khó, nhưng đối với đơn vị đủ quân, đảm nhiệm trực sẵn sàng chiến đấu, tính chất nhiệm vụ đặc biệt thì việc bố trí sắp xếp nghỉ bù sẽ rất khó khăn. Do vậy, cần có quy định cụ thể, chi tiết đối với những đơn vị có tính chất đặc thù để lãnh đạo, chỉ huy, chuyên môn dễ thực hiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho QNCN, CNVCQP.

Tại Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, hầu hết QNCN đều quan tâm đến độ tuổi công tác. Họ có chung ý kiến, việc nâng tuổi với nam 52 tuổi ở cấp úy; Thiếu tá, Trung tá: 54 tuổi; Thượng tá: 56 tuổi là khó thực hiện. Bởi vì những chức danh như trưởng xe, pháo thủ, lái xe BMP-1 ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác với bộ đội, sẽ khó đáp ứng được về mặt sức khỏe mà chuyển sang vị trí khác cũng không được vì đặc thù nghiệp vụ.

Trung tá Nguyễn Trung Hiếu, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 48, nêu tình huống và kiến nghị: “Thử đặt vị trí một vài QNCN cấp úy từ 45 đến 50 tuổi cùng hành quân huấn luyện dã ngoại, diễn tập dài ngày, mà trong đội hình đơn vị chủ yếu là hạ sĩ quan, binh sĩ ở độ tuổi 20, liệu các anh có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ? Chính vì vậy, trong các thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng cần quy định rõ các chức danh, các ngành nghề đặc thù, các đơn vị sẵn sàng chiến đấu thì độ tuổi công tác, nghỉ hưu cũng nên khác”.