Cùng tham dự tọa đàm có Thiếu tướng Nguyễn Văn Cường, Phó chính ủy Quân đoàn thay mặt cho Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân đoàn 3; đại diện lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, TCCT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đại diện cán bộ, sĩ quan trẻ 12 cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên.

si quan tre khat khao cong hien truong thanh
Tiết mục văn nghệ chào mừng tọa đàm.

Sau lời phát biểu chào mừng của đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cường, Phó chính ủy Quân đoàn 3, Thượng tá Đinh Quốc Hùng, Trưởng Ban Thanh niên Quân đội trình bày đề dẫn tọa đàm và nhấn mạnh: “Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, sĩ quan trẻ luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xây dựng nên truyền thống vẻ vang "Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”.

Sĩ quan trẻ... mở lòng

Trước khi vào buổi tọa đàm, Thượng úy Lê Ánh Sáng, Phó thuyền trưởng Tàu CSB 2014, Hải đội 201, Vùng Cảnh sát biển 2 tâm sự với chúng tôi : “Thời gian qua lực lượng Cảnh sát biển luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ đang phải đối mặt với một số khó khăn nhất định do địa bàn hoạt động rộng, lực lượng phân tán, đóng quân ở những khu vực ven biển, trên các đảo ven bờ trình độ dân trí không đồng đều, quân số thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ dài ngày trên biển, điều này ảnh hưởng tới việc duy trì, tổ chức các hoạt động sinh hoạt, học tập, huấn luyện tập trung. Ngoài ra, vì yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ trên biển thường dài ngày, có nhiều khu vực mạng viễn thông và Internet không có, dẫn tới việc cập nhật các thông tin thời sự, chính trị và liên lạc với người thân và gia đình rất khó khăn”.

si quan tre khat khao cong hien truong thanh
Đại tá Phùng Kim Lân, Phó tổng biên tập Báo QĐND phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thiếu tá Vũ Việt Dũng, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 cho rằng: Đứng chân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp, kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn, đơn vị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, quân số đông, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Trong khi đội ngũ cán bộ, sĩ quan chủ yếu là người miền Bắc, cho nên ít nhiều ảnh hưởng tới công tác nắm bắt, quản lý tư tưởng bộ đội.

Là người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác thanh niên, Đại tá Võ Văn Hưng, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 đánh giá: Trước sự tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (trong đó có cán bộ, sĩ quan trẻ) đang dần bị thoái hóa về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống, hiệu quả công tác thấp. Một số cán bộ, sĩ quan trẻ chưa chịu khó tự học tập, rèn luyện, còn vi phạm kỷ luật. Để khắc phục tình trạng nêu trên các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ. Căn cứ vào trình độ, năng lực, phẩm chất, động cơ, trách nhiệm để phát huy tốt thế mạnh của đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ; mạnh dạn bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trẻ vào các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy các cấp; tạo điều kiện, giao nhiệm vụ thử thách để họ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.

Xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm

Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nghĩa vụ và trách nhiệm, giữa cống hiến và hưởng thụ, Trung úy Phạm Ngọc Thái, Trung đội trưởng, Đại đội 7, Tiểu đoàn 86, Lữ đoàn 132 (Binh chủng Thông tin liên lạc) cho rằng, sĩ quan trẻ cần xác định cho mình động cơ đúng đắn. Xác định vào môi trường quân đội là nghĩa vụ, trách nhiệm, niềm tự hào của gia đình và bản thân, để từ đó gắn trách nhiệm của bản thân vào thực hiện nhiệm vụ. Đối với đơn vị, cần tăng cường các hoạt động giao lưu kết nghĩa với các tổ chức đoàn thể địa phương nơi đóng quân để cán bộ, sĩ quan trẻ có điều kiện giao lưu, học tập, giải quyết hài hòa các mối quan hệ.

si quan tre khat khao cong hien truong thanh

Đại úy Hoàng Ngọc Được, Trợ lý Thanh niên Bộ CHQS tỉnh Kon Tum, Quân khu 5 chia sẻ: Nhận thức được sự cần thiết của việc tự học, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu đối với sự phát triển của bản thân và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đại đa số sĩ quan trẻ luôn chủ động, tích cực tận dụng thời gian để tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ kiến thức, năng lực, phương pháp tác phong công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống của người quân nhân cách mạng.

si quan tre khat khao cong hien truong thanh
Các đại biểu và cán bộ, sĩ quan trẻ tham quan mô hình huấn luyện của Sư đoàn 10.

Bên lề buổi tọa đàm, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến trình bày tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, sĩ quan trẻ của các đơn vị đóng quân trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, thực tiễn quá trình công tác ở đơn vị có nhiều đồng chí cán bộ, sĩ quan trẻ luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ. Không ít đồng chí công tác trong điều kiện đơn vị đóng quân ở nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; hậu phương, gia đình ở xa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cha mẹ già yếu, vợ con công ăn việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh… song họ vẫn yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ; tích cực nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt lên hoàn cảnh, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Chủ động, sáng tạo, vượt khó

Đề cập tới vấn đề phát huy vai trò cán bộ, sĩ quan trẻ trong thực hiện nhiệm vụ, Đại úy Phạm Đình Tuân, Chính trị viên Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 nêu bài học kinh nghiệm: Nhằm đột phá nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp phân đội, đơn vị thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tập trung quán triệt và cụ thể hóa các văn bản, chỉ thị của cấp trên, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng phương pháp, tác phong chỉ huy; nội dung, biện pháp tiến hành các “kỹ năng mềm” trong quản lý, giáo dục bộ đội, kinh nghiệm xử lý các vấn đề nảy sinh về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn. Đối với quản lý, giáo dục chiến sĩ là người dân tộc thiểu số, đơn vị thành lập các tổ phát thanh nội bộ bằng tiếng Jarai, tiếng Ba-na... tổ chức biên tập, đọc và phát những nội dung liên quan đến pháp luật, kỷ luật. Đặc biệt, trong tuyển nhận chiến sĩ mới, đơn vị đã thực hiện tốt chủ trương “4 không”, “3 có”, “3 nên”. Với cách làm như vậy, cán bộ, sĩ quan trẻ Trung đoàn 24 đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, giải quyết tốt mối quan hệ cán - binh...

si quan tre khat khao cong hien truong thanh
Các đại biểu tham gia tọa đàm trao đổi kinh nghiệm.

Theo Thiếu tá Lê Trọng Nam, Trưởng Ban Quân sự Binh đoàn 15 xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, sĩ quan trẻ, chúng tôi luôn phấn đấu, cống hiến, xung kích lao động sản xuất, tham gia phát triển kinh tế xã hội, gắn kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Để phát huy vai trò cán bộ, sĩ quan trẻ, các cơ quan, đơn vị trong toàn binh đoàn thường xuyên làm tốt công tác quản lý, mạnh dạn bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ, để họ phát huy nhiệt huyết, tạo động lực mới trong thực hiện nhiệm vụ.

Đề cập tới vấn đề khắc phục những tồn tại, nâng cao chất lượng công tác quản lý, khai thác, sử dụng VKTBKT, Đại úy Phan Ngọc Linh, Trợ lý Ban Kế hoạch, Kho K870, Tổng cục Kỹ thuật cho rằng: Để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ phải không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; tích cực tham gia nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên cán bộ, nhân viên trong đơn vị phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện ngại nghiên cứu, ngại học hỏi... Để phát huy ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ trong công tác tư tưởng, cần tiến hành “Hai tốt, hai không”. “Hai tốt” là gần gũi và đồng cảm tốt; thực hiện phát huy dân chủ tốt. “Hai không” là không chủ quan, bỏ sót đối tượng, không tạo áp lực tiêu cực cho bộ đội...

Theo Thượng úy Lê Minh Tiến, Trợ lý Tác chiến Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật, Sư đoàn 372 (Quân chủng Phòng không - Không quân), xác định sĩ quan trẻ là nguồn cán bộ kế cận, bổ sung cho quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị; là lực lượng nòng cốt trực tiếp chỉ huy điều hành, quản lý, huấn luyện, giáo dục bộ đội; quản lý vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật. Trong những năm qua, Sư đoàn luôn chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện bay, nâng cao trình độ tác chiến tổng hợp cho đội ngũ phi công trẻ. Dù nhiệm vụ ngày càng nặng nề, nhưng cấp ủy và người chỉ huy các cấp đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nên mọi cán bộ, sĩ quan trẻ đều xác định tốt nhiệm vụ, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên giao.

Đến từ Vùng 4 Hải quân, Thượng úy Nông Phi Ca, Trợ lý quần chúng Lữ đoàn 101 cho biết, từ năm 2012 đến nay đội ngũ cán bộ sĩ quan trẻ của đơn vị tham gia giảng dạy chính trị đã thực hiện nội dung giáo dục chính trị cho đối tượng là hạ sĩ quan- chiến sĩ bằng phương pháp sử dụng trình chiếu PowerPoint. 100% cán bộ, sĩ quan trẻ tham gia giảng dạy chính trị có khả năng sử dụng tốt máy trình chiếu trong giảng dạy chính trị. Qua việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng bài chính trị đã tạo sự hào hứng và giúp cho bộ đội dễ tiếp thu bài giảng...

Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, các đơn vị đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, thử thách, song từ trong huấn luyện, SSCĐ, từ trong lao động sản xuất đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, sĩ quan trẻ tiêu biểu, xuất sắc. Thiếu tá Nguyễn Long Võng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) là gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân. Đại úy Nguyễn Văn Đăng, Chính trị viên Đại đội Xe Tăng 19, Trung đoàn Bộ binh cơ giới 48, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) được mọi người biết đến không chỉ sở hữu nhiều phần thưởng, mà anh còn là người cán bộ mẫu mực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở đơn vị. Trung úy Tống Văn Thành, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 234 (Quân đoàn 3) luôn gương mẫu, lời nói đi đôi với việc làm, chủ động nắm bắt tư tưởng, tâm lý, tình cảm của bộ đội để có biện pháp quản lý giáo dục phù hợp, từ đó tạo được sự gần gũi, quý mến và đoàn kết của anh em, đồng chí đồng đội.

“Lời nhắn” từ cơ sở

Để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ trong học tập, công tác, các ý kiến tọa đàm đều thống nhất đề nghị lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần quan tâm hơn nữa về vấn đề hậu phương quân đội như nhà ở, đất ở, trợ cấp khu vực, hợp lý hóa gia đình...

Bên cạnh lựa chọn những cán bộ, sĩ quan trẻ được đào tạo cơ bản, có trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, tâm huyết với công việc để quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần quan tâm, tạo điều kiện cử quân nhân đi đào tạo cơ bản ở các nhà trường trong và ngoài Quân đội; cũng như định kỳ hằng năm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời động viên, khuyến khích cán bộ, sĩ quan trẻ tự học tập, rèn luyện, nghiên cứu để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...

Với tinh thần thảo luận sôi nổi, trách nhiệm cao, buổi tọa đàm đã hoàn thành tốt nội dung, chương trình đề ra. Các ý kiến của cán bộ, sĩ quan trẻ đều bám sát chủ đề, làm nổi bật đặc thù công tác các đơn vị tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên; mạnh dạn nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm để cùng khắc phục sửa chữa; đồng thời kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy những giải pháp phù hợp, thiết thực và bày tỏ quyết tâm, sự khát khao cống hiến, trưởng thành của đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ./.