Kỳ I: Thái Nguyên - nơi phát tích chiến dịch Điện Biên Phủ

ATK Thái Nguyên – trung tâm của chiến khu Việt Bắc không chỉ là nơi diễn ra những trận quyết đấu đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp mà còn trở thành nơi khởi nguồn thắng lợi to lớn với quyết định quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị ngày 6/12/1953: quyết định mở chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và tiêu duyệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 6/12/1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng
quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ
(Ảnh tư liệu)

Kỳ II: Từ ATK qua những chặng đường ác liệt

Sau quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ 6/12/1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, từ Thủ đô gió ngàn, qua Đèo Khế - con đường trọng yếu, bộ đội ta hành quân lên Tây Bắc tiếp tục đến Bến Bình Ca - nơi được coi là huyết mạch giao thông chắn giữ cửa ngõ phía Tây của Chiến khu Việt Bắc, nối vùng An toàn khu với vùng Trung du. Trên hành trình này, ta đã gặp phải sự đánh phá ác liệt của Thực dân Pháp.

Đài vinh danh Chiến tích ở Bình Ca

Kỳ III: Bến Âu Lâu - hành trình của những chuyến đò bất tử

Bến Âu Lâu, Yên Bái - một vị trí quan trọng nối liền hệ thống giao thông Việt Bắc với Tây Bắc, là nơi duy nhất có thể cẩu các loại vũ khí hạng nặng như: pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe ô tô chở đạn dược, khí tài quân sự qua sông tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, được cả ta và địch đều chú trọng. Người Âu Lâu dầm mưa dãi đạn lo đóng phà, chở thuyền, nhiều người dỡ nhà lấy tre gỗ lát đường cho xe pháo vào chiến dịch. Bến phà Âu Lâu nay không còn hoạt động nữa. Thay vào đó là một cây cầu mới khang trang rộng rãi bắc qua sông Hồng, cách bến cũ chừng 1km. Nhưng nhắc đến Âu Lâu là nhắc nhớ lại hành trình của những chuyến đò bất tử. Những chuyến đò đã "gánh" bộ đội trên vai giúp những người con của tổ quốc vượt sông Hồng lên chiến trường Tây Bắc đánh giặc.

Tượng đài di tích lịch sử Bến Âu Lâu

Kỳ IV: Ngã ba Cò Nòi- minh chứng của tinh thần thép

Qua mỗi chặng đường lên Điện Biên Phủ thì lý thuyết mà Quân Pháp cho rằng, ta không thể cung cấp đầy đủ cho chiến trường Điện Biên Phủ càng bộc lộ sự yếu kém về cách nhìn nhận của chúng. Dù nhiệm vụ có nặng nề đến đâu nhưng tinh thần dẻo dai, bền bỉ và quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của quân ta đều đặt lên trên và chiến thắng tất cả mọi hiểm nguy, bom đạn. Ngã ba Cò Nòi chính là minh chứng cho tinh thần thép ấy.

Tượng đài kỷ niệm chiến công lịch sử của bộ đội, TNXP và dân công hoả tuyến ở ngã ba Cò Nòi

Kỳ V: Những con đèo huyền thoại

Bằng xương máu và tinh thần quả cảm, đích đến của ta ở Điện Biên ngày một gần nhưng đầy cam go - khốc liệt và đổi bằng cả máu thịt. Trong đó, những chiếc đèo với dốc đứng đột ngột cùng những đoạn cua tay áo nguy hiểm, việc vận chuyển đã gian nan lại trở thành nơi trút bom của giặc Pháp.

Một đoạn cua của đèo Lũng Lô

Dốc Pha Đin còn gọi đèo Pha Đin là đèo núi, là một trong tứ đại đèo của Tây Bắc. Để lên Điện Biên Phủ phải qua rất nhiều đèo cao, suối sâu. Chính tại Đèo Pha Đin cùng hàng chục, hàng trăm di tích lịch sử của Tây Bắc đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Di tích đèo Pha Đin

Kỳ VI : Mường Phăng – cái tên đầy tự hào trong tâm tưởng người Việt Nam

Đầu năm 1954, tin chiến thắng trên các chiến trường Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên, trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ báo về làm nức lòng quân và dân ta. Tại Mường Phăng, câu hỏi lớn đặt ra là ta sẽ làm gì để giành thắng lợi trên mặt trận chính Điện Biên Phủ tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương? Bài toán cũ về so sánh lực lượng lại xuất hiện: một lần nữa, ta không có ưu thế binh lực trước kẻ địch. Quyết định khó khăn nhất trong đời vị Đại tướng của nhân dân đã diễn ra nơi mảnh đất lịch sử này.

Lán cỏ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng

Kỳ VII: Đồi A1 – quả đồi Chiến Công

Đồi A1, cao điểm giữ vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ phân khu phía Đông Điện Biên Phủ, cùng với các trọng điểm khác tạo thành bức bình phong che chở vững chắc cho khu trung tâm. Trận Đồi A1 là một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và 3 của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong trận này là xóa sổ trung tâm đề kháng Eliane 2 trong dãy cứ điểm phía Đông Điện Biên Phủ. Đến với Đồi A1 cũng là đến với quả đồi Chiến Công - một địa danh tỏ rõ khí phách đấu tranh ngoan cường của dân tộc Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng bất tử của dân tộc.

Đài tưởng niệm tại Di tích Đồi A1

Kỳ VIII: Hầm Đờ Cát – chứng tích đầy kiêu hãnh của dân tộc Việt

Trước hy sinh và tổn thất, mệnh lệnh mở đường vây đánh thẳng vào Mường Thanh bắt sống Tướng Đờ Cát sáng 7/5, lập công mừng sinh nhật Bác Hồ và trả thù cho đồng đội, trả thù cho nhân dân Điện Biên Phủ cũng chính là tiếng lòng của những chiến sỹ Điện Biên Phủ còn lại trong những ngày tháng khốc liệt nhưng hùng tráng năm ấy. Và chính tiếng lòng, sự căm thù, ý chí chiến đấu quật cường của quân ta đã làm nên chiến thắng đầy kiêu hãnh của dân tộc.

Ngày 7/5/1954, ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của QĐND Việt Nam anh hùng tung bay
trên nóc hầm Đờ Cát-tơ-ri, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh tư liệu

Thainguyentv.vn