Chuẩn "đầu ra” trong đào tạo

Năm học 2015-2016 kết thúc với một số lượng lớn học viên tốt nghiệp ra trường. Theo tổng hợp của Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu): Các trường đã đào tạo được 53 lớp cho gần 3.000 cán bộ chiến dịch-chiến lược, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh đối tượng 1 cho gần 200 cán bộ Đảng, Nhà nước, 1.157 thạc sĩ, tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho 221 nghiên cứu sinh; đào tạo 3.300 sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học, 1.798 cán bộ ngành quân sự cơ sở; đào tạo chính quy, chuyển loại, chuyển cấp cho 3.236 nhân viên chuyên môn kỹ thuật, hơn 29.000 hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật sơ cấp và đào tạo, dạy nghề hàng chục nghìn sinh viên, học sinh phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ghi nhận kết quả đào tạo của các trường, Bộ Tổng tham mưu đã tặng thưởng 31 tập thể, 25 cá nhân và đề nghị Bộ GD-ĐT khen thưởng 6 tập thể có thành tích xuất sắc trong năm học. Thiếu tướng Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường nhận xét: “Nét nổi bật trong năm học vừa qua là chất lượng đào tạo tiếp tục được nâng lên, nhiều trường đã chú trọng “chuẩn đầu ra” của từng đối tượng đào tạo”.

tin nhap 20160910092916

Giờ học võ thuật của học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1. Ảnh: XUÂN VŨ

Không chỉ phản ánh bằng những con số, tỷ lệ khá, giỏi ấn tượng, kết quả đào tạo của các trường còn được đánh giá khách quan qua phúc tra của Bộ đối với một số trường. Khác với suy nghĩ lâu nay của nhiều người, “học viên cứ vào học, sau thời gian đào tạo là tốt nghiệp ra trường”, năm nay, nhiều trường đã kiên quyết thực hiện việc đào tạo với tự đào tạo và thải loại. Tổng hợp kết quả đào tạo của gần 20 trường đào tạo sĩ quan phân đội trình độ đại học có 23 học viên lưu ban, 97 học viên bị thải loại. Đặc biệt, nhiều trường đã xác định tiêu chí “chuẩn đầu ra” của từng đối tượng đào tạo. Tiên phong trong việc này là Học viện Hải quân đã xác định “chuẩn đầu ra” của học viên với 4 vấn đề cốt lõi là: Kiến thức và lập luận ngành; kỹ năng cá nhân, kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp và phẩm chất; kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm; năng lực thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tổ chức, chỉ huy, quản lý, tự học, tự nghiên cứu. Ở Học viện Biên phòng, ngoài việc tổ chức thi tốt nghiệp, đánh giá kết quả chặt chẽ, học viện còn tổ chức kiểm tra “chuẩn đầu ra” về phương pháp sư phạm, điều lệnh, thể lực và phối hợp đào tạo cấp bằng lái xe ô tô cho học viên trước khi ra trường...

Xác định “chuẩn đầu ra” là bước cụ thể hóa tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, trình độ, năng lực của người học đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn. Từ tầm quan trọng của việc này, trong nội dung bổ sung “Chiến lược phát triển GD-ĐT trong quân đội” giai đoạn 2016-2020 sẽ triển khai thực hiện ngay trong năm học 2016-2017, Bộ Quốc phòng xác định: “Lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ của học viên ra trường là thước đo đánh giá chất lượng đào tạo và thực hiện nhiệm vụ của các trường”, đồng thời giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng và các trường tập trung xây dựng các bộ tiêu chí “chuẩn đầu ra” cho từng đối tượng đào tạo, cùng với bộ tiêu chí đánh giá chương trình đào tạo, tiêu chí rèn luyện thể lực đào tạo sĩ quan cấp phân đội, tiêu chí chuẩn ngoại ngữ đào tạo sĩ quan cấp phân đội, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ... Đây sẽ là cơ sở quan trọng để công tác GD-ĐT trong quân đội ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.

Chuẩn hóa chương trình, nội dung

Đột phá vào đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, thời gian qua, các trường đã tiến hành chuẩn hóa, hoàn chỉnh 168 chương trình khung giáo dục đại học, cao đẳng; hoàn thành chương trình khoa học cấp Bộ về đổi mới công tác GD-ĐT cán bộ và nhân viên chuyên môn kỹ thuật các cấp đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, việc đổi mới, chuẩn hóa chương trình, nội dung đào tạo không phải làm một lần là xong mà là việc làm thường xuyên, liên tục trong quá trình đào tạo. Việc đổi mới này cần tiến hành đồng bộ từ các trường đến từng khoa, bộ môn, chú trọng cập nhật, bổ sung nội dung mới, kiên quyết cắt bỏ những nội dung không phù hợp, cần thiết...

Chúng tôi được biết, phương hướng đổi mới chương trình, nội dung đào tạo sẽ gắn chặt giữa đào tạo theo chức vụ với trình độ học vấn; điều chỉnh nội dung đào tạo theo khối kiến thức chuyên ngành sát với thực tiễn, đối tượng tác chiến, chiến trường, tổ chức biên chế, vũ khí mới, cách đánh giá sát với mục tiêu, yêu cầu của từng đối tượng đào tạo. Ngay năm học mới 2016, Bộ sẽ chỉ đạo các trường tiếp tục kiểm tra, rà soát lại các chương trình đang đào tạo, xây dựng, chỉnh sửa 37 chương trình mới và chỉ đạo các trường Sĩ quan Lục quân 1, Sĩ quan Lục quân 2 bổ sung khối kiến thức hỏa khí đi cùng, Trường Sĩ quan Thông tin bổ sung đào tạo thông tin chuyên ngành Hải quân, Phòng không- Không quân...

Từ kinh nghiệm đổi mới nội dung, chương trình tại Học viện Hải quân, Chuẩn đô đốc Ngô Quang Tiến, Giám đốc học viện chia sẻ: Việc đổi mới chương trình, nội dung đào tạo cần tiến hành đồng bộ cùng với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảng dạy. Quá trình thực hiện cần có sự đồng thuận cao của cán bộ, giảng viên, đặc biệt là sự kiên định, quyết tâm cao của cán bộ chủ trì và lãnh đạo, chỉ huy các cấp.

Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo

Thời gian qua, các trường đã có nhiều biện pháp tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà giáo (ĐNNG), tỷ lệ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ ngày càng cao. Đến nay, các trường trong toàn quân đã có 9,97% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, 33,41% trình độ thạc sĩ và hơn 52,2% trình độ đại học. Tuy nhiên, ĐNNG ở một số trường còn thiếu về số lượng, chất lượng, nhất là về trình độ học vấn, kiến thức thực tiễn, ngoại ngữ, phương pháp sư phạm... còn hạn chế. Toàn quân vẫn còn hơn 1.700 giảng viên, giáo viên chưa qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, số giảng viên đi thực tế ở đơn vị cơ sở chưa nhiều.

Từ thực tế trên, trong năm học mới, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các trường tập trung quy hoạch và bồi dưỡng toàn diện ĐNNG, cán bộ quản lý giáo dục, phấn đấu đến năm 2020, có 100% giảng viên, giáo viên có chứng chỉ sư phạm và kiến thức thực tiễn đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Với các học viện, trường đại học, trường sĩ quan, 100% giảng viên có trình độ đại học, hơn 60% sau đại học (25% trở lên là tiến sĩ), 15% trở lên có thể sử dụng ngoại ngữ để nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành. Giáo viên các trường cao đẳng, trung cấp có 90% trình độ đại học, trong đó có 20% sau đại học.

Thực hiện chuẩn hóa ĐNNG trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc “chuẩn ngoại ngữ” cho giảng viên, giáo viên là công việc cần kíp, từ đó góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học viên. Trong 5 năm qua, các trường tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ cho hơn 7.000 nhà giáo; tổ chức đào tạo được 9 lớp với 287 học viên văn bằng 2 và cử 59 cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ ở nước ngoài. Những con số trên vẫn còn là ít so với số lượng giảng viên của các trường. Từ thực tiễn, một số trường đã chủ động thực hiện các biện pháp để “chuẩn ngoại ngữ” cho cả giáo viên và học viên như: Trường Sĩ quan Thông tin đã giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh; Học viện Biên phòng đưa tiếng Anh vào nội dung thi tốt nghiệp chuyên ngành Cửa khẩu; Học viện Hậu cần đưa tiếng Anh vào tiêu chí đánh giá, nhận xét cán bộ, giảng viên... Đó là những cách làm cần được các trường nghiên cứu, vận dụng nhằm đạt mục tiêu chuẩn hóa trình độ cho ĐNNG trong thời gian tới.../.