day thu nghiem sach giao khoa lop 1 dinh hinh phuong phap day hoc moi
Các trường Tiểu học trên cả nước đang bước vào giai đoạn tập huấn cho giáo viên để sẵn sàng giảng dạy sách giáo khoa lớp 1 mới từ năm học 2020-2021. Ảnh minh họa: TTXVN

Dù đã được tiếp cận với sách giáo khoa mới trong quá trình chọn sách nhưng việc triển khai dạy học cụ thể vẫn là điều mà các giáo viên trăn trở. Để giúp định hình về phương pháp dạy sách mới, nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai dạy thử nghiệm. Qua đó, giáo viên được trao đổi, học hỏi và tự tin khi chương trình này chính thức triển khai vào tháng 9 tới.

Triển khai tiết dạy mẫu cho từng môn học

Có thể thấy, việc hoàn thành lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy tại mỗi trường mới chỉ là bước khởi đầu. Các trường còn rất nhiều phần việc phải làm để có thể triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới như: tập huấn giáo viên, tổ chức các chuyên đề giảng dạy bộ môn, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… Trong đó, việc triển khai các tiết dạy mẫu được các nhà trường và giáo viên coi là một giải pháp quan trọng để giáo viên hình dung rõ nhất về phương pháp tổ chức lớp học.

Bà Trần Thi Hương, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho biết: Ngoài kế hoạch tập huấn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cũng có kế hoạch tập huấn vào cuối tháng 7/2020 cùng với đợt tập huấn của các nhà xuất bản có sách giáo khoa được sử dụng trong năm học mới. Không chỉ tập huấn lý thuyết, Phòng cũng tổ chức cho các trường dạy tiết học mẫu với các môn học để giáo viên hoàn toàn tự tin khi bước vào giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.

Quận Tây Hồ lựa chọn 8 trường dạy tiết học mẫu, mỗi trường dạy 1 tiết Toán và 1 tiết Tiếng Việt. Sau khi đi dự giờ sẽ lựa chọn 2 tiết xuất sắc nhất để dạy thí điểm, giúp toàn bộ giáo viên trong quận tham dự bước đầu thấy được phương pháp giảng dạy với bộ sách mới. Đối với chương trình mới, giáo viên cần thay đổi phương thức, tạo cho học sinh sự tự tin khi tham gia hoạt động trong tiết học. Giáo viên chỉ là người tổ chức, hướng dẫn còn học sinh được tham gia trao đổi, chủ động nắm bắt kiến thức.

Cô Nguyễn Thị Thúy Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (Hà Nội) chia sẻ: Để chuẩn bị cho việc giảng dạy chương trình lớp 1 mới, giáo viên bên cạnh việc nghiên cứu chương trình, tập huấn lý thuyết thì việc dạy thử nghiệm thông qua những tiết học mẫu, dự giờ để cùng thảo luận về phương pháp giảng dạy mang lại hiệu quả cao. Các giáo viên sẽ tìm ra ưu khuyết điểm của từng tiết dạy, điều này có tác dụng rất lớn, giúp các cô sẵn sàng dạy chương trình mới. Tại Trường Tiểu học Đông Thái, mỗi giáo viên phải lên kế hoạch tiết giảng dạy của mình để các giáo viên khác góp ý, nhằm đạt kết quả tốt hơn.

Linh hoạt nội dung dạy học

Đa phần nội dung bài học trong chương trình mới giống chương trình hiện hành, nhưng cái mới ở chương trình sách giáo khoa lớp 1 nằm ở cách tiếp cận của học sinh và phương thức truyền đạt của giáo viên. Cùng với đó, nội dung bài học không bị bó buộc trong khuôn khổ trình tự bài học theo sách giáo khoa mà tùy sự linh hoạt, sáng tạo của giáo viên để xây dựng bài học cho phù hợp.

Thông qua tiết dạy mẫu môn Toán, cô Phan Thiên Hương, giáo viên Trường Tiểu học Đông Thái (Hà Nội) cho rằng: Với sách giáo khoa mới, học sinh được hoạt động, trải nghiệm nhiều hơn. Ví dụ, sách giáo khoa cũ có bài học về các ngày trong tuần lễ nhưng học sinh chủ yếu tìm hiểu về các ngày trong tuần chứ chưa được tìm hiểu cách xem lịch. Ở sách mới, phần bài tập kết hợp cả cách xem lịch và ghi nhớ tên các ngày trong tuần. Ngoài ra, trong bài, học sinh được rèn luyện, sử dụng tư duy ngôn ngữ Toán học, các em được nói, làm việc, thảo luận nhóm nhiều hơn.

Cô Phan Thiên Hương chia sẻ: Trong chương trình cũ, giáo viên dạy tuân thủ theo sách giáo khoa nhưng với sách mới, giáo viên được chọn ngữ liệu dạy học cho phù hợp. Vì thế, cô giáo mạnh dạn sáng tạo ra bài hát mới, học sinh rất thích và ghi nhớ các ngày trong tuần.

Với cách dạy mới, học sinh chủ động lên điều khiển nhóm lớp, tổ chức các câu hỏi, tự tìm hiểu tờ lịch xem có những thông tin gì, tự khám phá ra kiến thức đó.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường Tiểu học Chu Văn An, Hà Nội nhận xét: Sách giáo khoa mới có nhiều nội dung đưa cuộc sống vào bài học, giúp học sinh được phát triển kỹ năng sống, tư duy sáng tạo. Chẳng hạn như bài về "Nắng", học sinh hiểu về hiện tượng thiên nhiên nên cảm thấy thích thú, nhờ đó, giờ tập đọc, các con đọc rất tốt. Sách mới cũng có phần tìm hiểu bài học sâu hơn để nâng cao mức đọc hiểu, sử dụng nhiều hình ảnh để các con hiểu bài hơn. Giáo viên cũng linh hoạt trong từng bài học, thời gian hay quy trình dạy. Phần nào chưa tốt, giáo viên dạy kỹ hơn, phần nào tốt giáo viên có thể mở rộng liên hệ thực tế nhiều hơn để tiết học vui, sinh động và đạt hiệu quả.

Mang lại hứng thú cho học sinh nhưng việc chuyển đổi ngay phương pháp dạy từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cũng là cái khó của nhiều giáo viên. Việc dạy thử nghiệm chính là cách tốt nhất để giáo viên có thể chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Từ đó, giúp họ không chỉ hiểu mà còn biết mình yếu và thiếu những gì để bổ sung cho phù hợp. Do đó, nhiều giáo viên mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có tiết dạy minh họa cụ thể cho từng môn học để giáo viên tiếp cận, từ đó, sáng tạo, linh hoạt hơn trong từng tiết dạy./.