Đa dạng các sản phẩm từ cây chè
Nhận thấy nhiều người, đặc biệt là giới trẻ quan tâm, ưa thích các sản phẩm trà hoa. Vì thế từ năm 2017, cùng các sản phẩm chè truyền thống, Hợp tác xã chè Trung du Tân Cương cũng đã nghiên cứu sản xuất, chế biến các sản phẩm chè hoa. Mặc dù quy trình làm chè hoa khá tỉ mỉ, kĩ lưỡng từ khâu chọn hoa, đến chè đều phải sạch hoàn toàn và các công đoạn đều phải làm thủ công tuy nhiên loại chè này được thị trường ưa chuộng và giá bán cũng cao hơn so với xanh chè truyền thống. Anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc Hợp tác xã chè Trung du Tân Cương, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: "Trà hoa rất kỹ tính. Từ nguyên liệu mình chọn mà bị hỏng bị dập thì sẽ không đạt hương tốt nhất. Khách hành bên cạnh thưởng thức trà truyền thống, có thêm sự lựa chọn khác, từ đó có thêm được khách hàng mới".
Sản xuất trà hoa giúp đơn vị gia tăng lượng khách hàng lựa chọn sản phẩm trà. |
Công ty cổ phần Ntea Thái Nguyên là đơn vị sản xuất chè hữu cơ nhiều năm, mặc dù sản xuất theo hướng này năng suất chè thấp hơn thông thường nhưng bù lại có thể tận thu được hết các bộ phận trên cây chè để tạo ra được nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Qua quá trình nghiên cứu đến nay công ty đã đưa ra thị trường 5 dòng sản phẩm chính là trà xanh truyền thống, trà túi lọc, bột matcha, trà sữa hòa tan, trà thảo mộc từ đó có thể đáp ứng được nhu cầu, thị yếu của khách hàng theo từng lứa tuổi. Anh Nguyễn Kim Công, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Ntea Thái Nguyên cho biết: "Với đa dạng hóa sản phẩm, thứ nhất là cây chè phải đảm bảo đủ sức sống để tận thu được. Mình phải chăm sóc thường xuyên. Sau khi chăm sóc phải cắt tỉa nhiều hơn. Thời gian sinh thưởng của cây nhiều hơn so với chỉ thu hoạch búp".
Nhiều năm nay, bột trà xanh matcha là một trong những nguyên liệu được sử dụng nhiều trong các loại bánh ngọt của nhiều cửa hàng. Với mùi thơm, và vị chát nhẹ đặc trưng của chè hòa quyện cùng các nguyên liệu giúp bánh luôn tươi xốp, không bị ngấy. Vì thế được giới trẻ rất ưa chuộng. So với những chiếc bánh ngọt truyền thống thì những loại bánh sử dụng nguyên liệu bột trà matcha có giá cao hơn khoảng 50 nghìn đồng/chiếc, bên cạnh đó số lượng bánh cũng chiếm khoảng 30% trong tổng số lượng bánh được bán ra của cửa hàng.
Nguyên liệu bột matcha trà xanh được sử dụng nhiều trong chế biến bánh ngọt. |
Đến nay, diện tích chè trên địa bàn tỉnh đạt 22 nghìn ha, sản lượng chè chế biến trên địa bàn tỉnh đạt gần 48.000 tấn. Những năm qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chè cũng đã chú trọng đến nghiên cứu, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để sản xuất ra sản phẩm chất lượng, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các sản phẩm đưa ra thị trường đều có nhãn mác, bao bì. Tuy nhiên việc đa dạng hóa các sản phẩm chè vẫn gặp khó do sản phẩm chế biến ra vẫn chủ yếu là chè xanh truyền thống; sản xuất vẫn chủ yếu theo quy mô nông hộ, chưa có sự liên kết với doanh nghiệp trong khâu chế biến…
Trao đổi về vấn đề đa dạng hóa sản phẩm trà của các hợp tác xã, bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè, cần phải đầu tư đồng bộ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao để chế biến sâu và chế biến tinh để đa dạng hóa sản phẩm một cách bền vững hơn. Các hợp tác xã cũng cần phải liên kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao vào khâu chế biến" .
Thái Nguyên chú trọng đến chế biến sâu, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biên đa dạng hóa các sản phẩm chè. |
Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè toàn tỉnh đạt 24 nghìn ha. Cùng với duy trì nâng cao sản phẩm chè truyền thống, tỉnh chú trọng đến chế biến sâu, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biên đa dạng hóa các sản phẩm chè và các sản phẩm có nguồn gốc từ chè để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho biết: "Hiện nay, sản phẩm cao nhất của chè là trà bột và trà nước uống. Đó là hai thứ tạo giá trị gia tăng cao nhất. Hiện nay ở Thái Nguyên đã có doanh nghiệp chế biến nước trà uống rồi, trà bột cũng có rồi. Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào vùng nguyên liệu của Thái Nguyên rất tốt và an toàn" .
Đa dạng hóa các sản phẩm từ chè là xu thế tất yếu, không chỉ giúp người sản xuất và kinh doanh chè có thêm nhiều cơ hội gia tăng giá trị kinh tế mà còn giúp ngành chè phát triển bền vững, có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.