Tròn vai người thầy

Từ ngày trung đội tiếp nhận 30 chiến sĩ mới quê ở thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định), Thiếu úy Phạm Lê Nam, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 21, Bộ Tham mưu Quân đoàn 3 dường như bận rộn hơn nhiều. Là sĩ quan chuyên ngành phòng hóa, lại lần đầu huấn luyện chiến sĩ mới, Nam cũng có phần bỡ ngỡ. Những bài kỹ thuật chiến đấu bộ binh, võ thuật, điều lệnh mà Nam học tập từ ngày ngồi trên ghế nhà trường nay được đem ra huấn luyện cho chiến sĩ mới nên không tránh khỏi những khó khăn.

Thiếu úy Phạm Lê Nam tâm sự: “Để khắc phục những kiến thức còn hạn chế, tôi phải học thêm, thục luyện giáo án ngoài giờ rất nhiều và tranh thủ học hỏi, trao đổi với cấp trên, đồng đội. Nhờ vậy, tôi nhanh chóng vượt qua bỡ ngỡ ban đầu và đã tìm ra được phương pháp huấn luyện phù hợp với đặc thù của đơn vị”.

chuyen nhung nguoi quan ly huan luyen chien si moi

Đại úy Lê Hữu Hoàng, Trung đội trưởng Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 hướng dẫn bộ đội sắp xếp nội vụ hằng ngày.

Được biết, trình độ chuyên môn, kiến thức của cán bộ trung đội, đại đội có vị trí quan trọng trong việc nâng cao chất lượng huấn luyện. Song, đây không phải là yếu tố quyết định. Rào cản lớn nhất là việc truyền đạt kiến thức ở một lớp học mà chiến sĩ mới có trình độ không đồng đều; có chiến sĩ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng cũng có chiến sĩ chỉ mới học hết lớp 7, lớp 8. Vì vậy, quan trọng nhất là những cán bộ trung đội phải tìm ra phương pháp tối ưu để mọi chiến sĩ cùng tiếp thu được nội dung học tập.

Đại úy Bùi Văn Yên, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 320 là người có thâm niên 9 khóa huấn luyện chiến sĩ mới với kinh nghiệm phát huy tối đa vai trò “đôi bạn học tập” là một ví dụ. Với cương vị Đại đội trưởng, Đại úy Bùi Văn Yên đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phân công các chiến sĩ có nhận thức tốt kèm cặp, giúp đỡ những đồng chí nhận thức chậm hơn trong luyện tập. Điều này đã góp phần không nhỏ vào thành tích của đại đội-đạt đơn vị huấn luyện 3 tiếng nổ giỏi cuối năm 2014 và liên tục hai năm sau đó.

Đại tá Trần Ngọc Sơn, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 cho rằng: “Khó khăn chung của đội ngũ cán bộ trung đội, đại đội là huấn luyện sao cho bộ đội dễ hiểu, dễ làm nhất. Điều này không chỉ cần ở trình độ mà còn là kinh nghiệm, phương pháp, nên mỗi lần đơn vị tổ chức tập huấn, chúng tôi rất chú trọng việc này. Yêu cầu mà Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn đặt ra là mỗi cán bộ trung đội, đại đội phải làm tròn vai người thầy của chiến sĩ mới. Cùng với đó, trong quá trình tuyển quân, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương sàng lọc kỹ chất lượng chiến sĩ mới ngay từ khâu đầu...”.

Là người bạn tâm tình của chiến sĩ mới

Năm 2017, toàn Quân đoàn 3 tiếp nhận hàng nghìn chiến sĩ mới thuộc 6 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Từ đặc điểm đó, mỗi đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới phải có những người cán bộ am hiểu về phong tục, tập quán địa phương để vừa làm tốt vai trò người cán bộ huấn luyện vừa làm tròn vai người quản lý.

Theo Thượng úy Phùng Văn Mạnh, Trung đội trưởng Trung đội 4, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 273: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới, điều cốt lõi là mỗi cán bộ phải tâm huyết với nhiệm vụ, với chiến sĩ, tự giác học tập nâng cao trình độ mọi mặt, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác khoa học, bên cạnh đó luôn sâu sát, gần gũi, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, nắm chắc tình hình mọi mặt, nhất là về vấn đề tư tưởng.

Thượng úy Phùng Văn Mạnh chia sẻ: “Đợt 2 năm 2015, đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới. Trong một lần kiểm tra, vô tình tôi đọc được tâm sự của Binh nhì Nguyễn Xuân Quý trong sổ tay như sau: "Bản thân tôi không muốn đi bộ đội, giờ phải đi nên muốn tự vẫn". Sau khi báo cáo chỉ huy đại đội về sự việc trên, tôi chủ động gặp Quý tâm sự, động viên. Tôi kể cho Quý nghe về những chiến sĩ mà mình đã từng quản lý, những công việc trong quân ngũ, niềm tự hào khi trở thành người chiến sĩ trong quân đội. Sau vài ba lần gặp gỡ, động viên, tôi đã phân công người kèm cặp, giúp đỡ Quý. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, chiến sĩ Nguyễn Xuân Quý đã chủ động gặp tôi và hứa sẽ cố gắng phấn đấu tốt, không suy nghĩ dại dột nữa. Qua 3 tháng huấn luyện, Quý được chỉ huy Lữ đoàn 273 khen thưởng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới”.

“Mỗi lần huấn luyện chiến sĩ mới như là một lần chăm con mọn”-Đại úy Lê Anh Thương, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 21, Bộ Tham mưu Quân đoàn 3 chia sẻ. Anh bảo, so sánh ví von như thế để thấy rằng cường độ công việc rất vất vả, từ sáng sớm cho đến lúc đi ngủ là liên tục có mặt cùng bộ đội, từ huấn luyện đến tổ chức hoạt động phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao. Nếu bộ đội không có ý thức tự giác chịu khó tu dưỡng, rèn luyện sẽ rất dễ nản chí, chấp hành không tốt các quy định, kỷ luật quân đội… Chính vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em học sinh phải được giáo dục tốt về lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của thanh niên với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Khi họ hiểu được việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là vinh dự, là trách nhiệm thì sẽ vui vẻ lên đường nhập ngũ và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”-Đại úy Lê Anh Thương kiến nghị./.