Y tế thông minh tại Quảng Ninh gặp khó do thiếu đồng bộ
Tiên phong trong thí điểm xây dựng mô hình Bệnh viện thông minh, Quảng Ninh đã bước đầu có được hệ thống cơ sở y tế tiêu chuẩn, đạt hiệu quả cao trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc thiếu những tiêu chuẩn, hướng dẫn cụ thể khi ứng dụng công nghệ thông tin đã khiến các bệnh viện lúng túng, thậm chí lãng phí tiền bạc, nhân lực khi triển khai mô hình Y tế thông minh.
Mỗi ngày, khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh) đều có rất đông bệnh nhân đến chụp X-quang, chụp cắt lớp CT, cộng hưởng từ MRI.... Sau khi chụp, các bác sĩ không cần chờ in phim nhựa mà có thể chẩn đoán trực tiếp trên máy tính bằng Hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trực tuyến PACS. Mạch máu, dây thần kinh, bề mặt xương,... được hiển thị 3D với chất lượng cao, không giới hạn số lượng hình ảnh sẽ giúp hạn chế bỏ sót những dấu hiệu bất thường dù nhỏ nhất.
Các bệnh viện ở Quảng Ninh đã bước đầu có được hệ thống cơ sở y tế tiêu chuẩn, đạt hiệu quả cao trong khám chữa bệnh. (Ảnh: KT) |
Bác sĩ Hà Duy Nam, Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, với hệ thống PACS, các bác sĩ có thể truy cập kết quả hình ảnh bằng máy vi tính hay các thiết bị cầm tay như điện thoại di động, máy tính bảng.
“Bác sĩ có thể quan sát và chẩn đoán phim một cách chi tiết, chính xác, có thể điều chỉnh kích thước những vùng nghi ngờ. Trước kia bệnh nhân mang phim về thường làm thất lạc, nhờ hệ thống PACS này dữ liệu bệnh nhân được lưu trữ, không cần mang phim đến bác vẫn có thể tra cứu, so sánh với những lần trước, thuận tiện cho bác sĩ”, bác sĩ Hà Duy Nam cho biết.
PACS là hệ thống lưu trữ, truy xuất, quản lý, phân phối và trình chiếu hình ảnh được ngành y tế Quảng Ninh đầu tư cho 3 bệnh viện là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viên Bãi Cháy và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh từ giữa năm 2017. Dự án có kinh phí gần 25 tỷ đồng thuộc lĩnh vực Y tế thông minh trong Đề án Thành phố thông minh mà Quảng Ninh đang triển khai thí điểm.
Những tưởng hệ thống này sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian nhưng thực tế lại đang có sự lãng phí lớn. Lý do là Bộ Y tế và Bộ Tài chính chưa ban hành đơn giá quy định dịch vụ này, nên để hoàn thành thủ tục thanh toán Bảo hiểm Y tế, các bệnh viện vẫn phải in phim. Bác sĩ Bùi Thái Ngọc, Kỹ thuật viên trưởng - Khoa chẩn đoán hình ảnh cho biết, riêng kinh phí mua phim của bệnh viện Bãi Cháy đã là gần 3 tỷ đồng/năm. Như vậy, bệnh viện vừa mất chi phí duy trì hệ thống PACS để có hiệu quả khám chữa bệnh tối ưu, lại vừa mất chi phí in phim để đáp ứng quy định hiện hành.
“Hiện bệnh viện khoảng 500- 600 ca chụp Xquang/ngày, nếu in ra sẽ là hàng nghìn phim, chụp cắt lớp và cộng hưởng từ hơn 100 ca, nếu in cũng phải mấy trăm phim, sẽ mất khoảng 4-5 nhân lực để làm việc. Nếu thực hiện không in phim thì sau khi chụp xong người bệnh có thể được chẩn đoán ngay luôn, không phải chờ đợi. Chúng tôi sẽ tiết kiệm được nhân viên để làm chuyên môn sâu hơn, kỹ hơn, phục vụ người bệnh tốt hơn”, bác sĩ Bùi Thái Ngọc nói.
Theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 1/3/2019, các cơ sở y tế trong cả nước bắt đầu sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh trước kia. Nhờ Đề án thí điểm Bệnh viện thông minh trang bị hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện Bệnh viện Bãi Cháy đã không còn dùng sổ khám bệnh giấy. Bệnh nhân được cấp thẻ thông minh lưu trữ đầy đủ thông tin và quẹt thẻ để đăng ký khám, tra cứu thuốc... giảm tối đa thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi. Các bác sĩ cũng đã sử dụng chữ ký số để quản lý, thực hiện y lệnh hay kê thuốc. Tuy vậy, khi bệnh nhân ra viện, các giấy tờ cần thiết vẫn phải in ra giấy để lưu trữ. Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho rằng, để triển khai bệnh án điện tử đúng nghĩa vẫn còn rất nhiều khó khăn.
“Do quy định của Trung ương, Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế và các Bộ ngành chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa có sự đồng bộ nên chúng tôi chưa thể triển khai ngay được. Ba bệnh viện đã đầu tư y tế thông minh giai đoạn 1 có thể triển khai bệnh án điện tử. Tuy nhiên phải có lộ trình, phải có thêm sự đầu tư cơ sở hạ tầng mạng, trang thiết bị, thêm nguồn quản lý về công nghệ thông tin. Chúng tôi hy vọng giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện được, sớm triển khai bệnh án điện tử từ năm 2020”- ông Nguyễn Trọng Diện cho biết.
Mặc dù có lợi thế ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin với hệ thống trang thiết bị hiện đại nhưng trên thực tế, các bệnh viện lớn của Quảng Ninh vẫn đang lúng túng trong triển khai mô hình y tế thông minh, bệnh án điện tử. Vấn đề đặt ra hiện nay là bên cạnh những nỗ lực về nâng cao công nghệ, đầu tư phát triển nguồn nhân lực... làm thế nào để tháo gỡ nút thắt cơ chế vẫn là bài toán cần nhanh chóng tìm lời giải để mô hình Y tế thông minh sớm hoàn thiện và được triển khai đồng bộ, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh và các cơ sở y tế./.