Xuất khẩu rau quả tăng mạnh vượt 3 tỷ USD
Cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quản cho thấy, tính từ đầu năm đến 15/11, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đã vượt 3 tỷ USD.
Cụ thể, tính đến hết ngày 15/11/2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 365,48 tỷ USD, tăng 21,4% (tương ứng tăng gần 64,37 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 11/2017 thâm hụt 346 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 11/2017 thặng dư 2,24 tỷ USD.
Đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu tích cực như vậy, mặt hàng rau quả đạt mức tăng trưởng ấn tượng, với giá trị hơn 3,010 tỷ USD.
Riêng nửa đầu tháng 11 xuất khẩu rau quả đã tăng 8,3% so với nửa cuối tháng 10, tương ứng tăng 11 triệu USD.
Thông tin tại Hội thảo “Cơ hội và giải pháp vì sao doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia thị trường chế biến trái cây lúc này” cho biết, các thị trường nhập khẩu rau quả lớn liên tục tăng trưởng về giá trị, từ 13 thị trường trên 1 triệu USD năm 2004, đến năm 2016 có 10 thị trường trên 20 triệu USD, bên cạnh Trung Quốc là thị trường lớn nhất chiếm 70,8% thị phần, nhiều loại rau quả Việt Nam đã được xuất khẩu vào các thị trường cao cấp có yêu cầu rất cao như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Hà Lan, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan…
Nhiều chuyên gia nhận định tiềm năng thị trường cho xuất khẩu rau quả Việt Nam vẫn còn rất lớn. Bởi vì, từ năm 2011 đến nay, giá trị thị trường nhập khẩu rau quả trên thế giới đã vượt mức 200 tỷ USD/năm. Như vậy, giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam hiện mới chiếm chưa đến 1% mức tiêu thụ của toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam xuất khẩu trái cây vẫn mới ở dạng trái cây tươi là chủ yếu nên giá trị gia tăng còn thấp.
Tại Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phê duyệt, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia được xác định là những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và thịt lợn, thịt gia cầm. Như vậy, mặt hàng rau quả thuộc nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của quốc gia.
Chính phủ cũng định hướng sẽ chuyển mạnh đất lúa năng suất và hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn; phát triển sản xuất rau theo công nghệ cao...
Xét về cơ cấu theo vùng, Chính phủ cũng định hướng vùng Trung du miền núi Bắc bộ tập trung phát triển cây công nghiệp có lợi thế, trong đó có cây ăn quả. Đối với vùng đồng bằng sông Hồng có phát triển rau, cây ăn quả chuyên canh, công nghệ cao, ứng dụng quy trình thực hành tốt.
Vùng Bắc Trung bộ thì phát triển cây ăn quả có múi (bưởi Phúc Trạch, cam Bù...). Còn Vũng duyên hải Nam Trung bộ được định hướng tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; phát triển các loại cây trồng chịu hạn và các cây đặc sản của vùng như nho, thanh long, xoài, táo... theo tiêu chuẩn VietGAP, EuroGAP...
Vùng Tây Nguyên cũng sẽ phát triển vùng rau tập trung, công nghệ cao. Vùng Đông Nam bộ thì phát triển cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái.
Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển các vùng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao và các loại rau màu; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch sinh thái miệt vườn.
Bộ NN&PTNT định hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, trồng rải vụ các cây ăn quả chủ lực.
Mục tiêu tổng diện tích cây ăn quả cả nước tăng lên 910.000 ha, tổng sản lượng quả các loại trên 9,5 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng bình quân trên 20%/năm, phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt trên 4,5 tỷ USD trong đó sản phẩm quả chiếm trên 80%./.