Xuất hiện cực Nga-Trung Quốc đối phó NATO và Mỹ trong quan hệ quốc tế
Số phận Nga và Trung Quốc dường như ngày càng quện vào nhau khi hai cường quốc thuộc lục địa Á-Âu này bổ sung đáng kể cho nhau về mặt kinh tế và an ninh. Đây là nhận định của nhà phân tích rủi ro chính trị độc lập Eric Kraus nói với hãng thông tấn Nga Sputnik khi ông bình luận về cảnh báo của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski về “kịch bản nguy hiểm nhất” đối với nước Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Moscow vào tháng 7/2017. Ảnh: Sputnik. |
Kraus nói: “Hai mươi năm trước, mối quan hệ chính của gần như mọi quốc gia trên Trái Đất là với Mỹ – ngày nay, đó là mối quan hệ ngày càng gia tăng với Trung Quốc”.
Vào ngày 10/1/2019, Trung tâm Lợi ích Quốc gia – một cơ sở nghiên cứu có trụ sở đặt tại Washington, đã tổ chức một cuộc thảo luận với chủ đề nghe rất kêu “Trung Quốc và Nga: Những người bạn mới?”. Những người tham gia đã hồi tưởng lại lời cảnh báo của cố Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Brzezinski rằng “kịch bản nguy hiểm nhất” đối với Mỹ sẽ là “một đại liên minh của Trung Quốc và Nga..., đoàn kết không phải về mặt ý thức hệ mà bởi những hoàn cảnh bổ sung cho nhau”.
Kraus nói với Sputnik: “Nga rõ ràng đang dịch chuyển theo hướng liên kết với Trung Quốc về mặt quân sự, kinh tế và, ở một chừng mực nào đó, là cả khía cạnh văn hóa. Việc gọi đó là liên minh, liên kết, quan hệ đối tác, hay gì khác đi nữa chỉ là vấn đề cách nói. Không nước nào trong 2 nước này muốn vướng vào một liên minh chính thức buộc họ phải tham chiến trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với một bên thứ 3 nào đó”.
Bình luận về việc vì sao Bắc Kinh và Moscow lại tránh tuyên bố một hiệp ước chính thức, nhà phân tích chính trị trên lý giải như sau: “Công bố một liên minh chính thức sẽ tạo ra một khiêu khích không cần thiết vào thời điểm mà chú Rồng (ý nói Trung Quốc – ND) đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới về mặt sức mua tương đương (PPP) và đang gia tăng nhanh chóng dấu ấn trên toàn cầu, chẳng hạn thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường và các mối quan hệ đối tác kinh tế trên khắp thế giới”.
Hai gã khổng lồ Á-Âu bổ sung rất mạnh cho nhau
Kraus nhấn mạnh: “Sự liên kết ngày càng tăng [giữa Nga và Trung Quốc] là một bước phát triển hoàn toàn logic, khi hai gã khổng lồ trên lục địa Á-Âu này bổ sung lớn cho nhau. Trung Quốc đang tìm cách thống nhất lục địa Á-Âu vì các lý do thương mại, và họ ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu thô, nông sản, hành lang trung chuyển và các công nghệ nhất định của Nga”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Sputnik. |
Đồng thời hai cường quốc này “không cạnh tranh với nhau theo bất cứ cách nào đáng kể cả, và mỗi nước đều rất tôn trọng lợi ích của nhau ở khu vực chồng lấn duy nhất của họ - vùng Trung Á” – Kraus kể tiếp.
Nhà phân tích này ghi nhận rằng “không nước nào trong 2 nước này có các đồng minh tự nhiên, nhưng họ cùng hình thành một cực với quy mô đủ để tạo ra cho các bên thứ 3, từ Iran tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi, một sự thay thế cho liên minh Đại Tây Dương”.
Kraus nhận xét: “Từ góc nhìn của Nga, mối quan hệ này có thể là cận tối ưu - vị thế lý tưởng cho Nga sẽ là một hệ thống đa cực mà ở đó Nga có thể cân bằng giữa phương Đông và phương Tây... Thật không may, sau sự sụp đổ của Liên Xô và vài thập kỷ Mỹ ngự trị tuyệt đối trên trường quốc tế, nước Mỹ đã đánh mất sự nhận thức về các giới hạn của mình hay nhu cầu phải ngoại giao; quan điểm cứng rắn mang tính thống trị của họ đang đẩy thế giới vào hệ thống lưỡng cực, với nhiều nước buộc phải chọn phe này hoặc phe kia. Các bài học trong thế kỷ 20 đã nhanh chóng bị quên lãng”.
Nga và Trung Quốc vốn không thân thiện với nhau như thế
Về việc Washington không thể tiên liệu thế hòa hoãn đang lên, Kraus cho rằng quan hệ thân thiện giữa Trung Quốc và Nga hoàn toàn không hiển nhiên từ đầu. Ông thừa nhận rằng “quan điểm ngày càng cứng rắn” của Washington rõ ràng đã thúc đẩy nhanh quan hệ đó.
Kraus lý giải: “Với lịch sử căng thẳng dài lâu giữa 2 cường quốc Á-Âu này, từ việc các Sa hoàng tiến sâu vào vùng Siberia vào thế kỷ 19 đến mối quan hệ cá nhân căng thẳng giữa các lãnh đạo Mao Trạch Đông và Joseph Stalin sau này cũng như xu hướng lịch sử của Nga quay sang phương Tây, hướng về phía châu Âu, thì hai nước này còn phải dỡ bỏ nhiều rào cản văn hóa lớn”.
Tuy nhiên, nhà phân tích rủi ro chính trị này nhận xét: “Cái khó ló cái khôn. Trung Quốc đóng vai trò sống còn trong việc đánh bại nỗ lực của NATO cô lập Nga, trong khi Nga giải phóng Trung Quốc khỏi nguy cơ bị phong tỏa bằng hải quân hay mối lo sợ bị xâm lược dọc theo vùng biên giới phía Tây có dân cư thưa thớt”.
Kraus nhấn mạnh rằng quan hệ hai nước đã đạt những bước tiến bộ đáng kể, “từ những cuộc tập trận hỗn hợp lớn nhất lịch sử Trung Quốc đến việc xây dựng rầm rộ cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng”.
Vẫn lời của Kraus: “Thương mại Nga-Trung đã tăng lên mức 110 tỷ USD mỗi năm. Nga đang thay thế dự trữ đô la Mỹ bằng đồng nhân dân tệ. Lượng lớn người dân Nga đang học tiếng Hán – các trao đổi văn hóa rất phát triển”.
Sau khi nói rằng “Nga giờ đã loại bỏ tất cả các hạn chế đối với việc bán các vũ khí khí tài cao cấp cho Trung Quốc, và người ta có thể hy vọng về hợp tác nhiều hơn nữa trong lĩnh vực vũ trụ giữa 2 nước”, nhà phân tích Kraus lưu ý rằng hai nước vẫn còn “chặng đường dài nữa phải vượt qua”. Kraus đề cập đến một trở ngại cụ thể là các ngân hàng Hong Kong vẫn ngập ngừng trong việc cho Nga vay do e ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Sai lầm ngoại giao của Mỹ
Kraus tiếp tục: “Sự ngạo nghễ theo kiểu đế quốc cuối cùng đã cáo chung. Tình trạng thiếu hiệu quả gần đây của chính sách đối ngoại Mỹ là một điều đáng xem xét… Bất cứ ai quen thuộc với ngoại giao châu Âu thế kỷ 19 sẽ nhận thấy rằng các cường quốc lớn sẽ tìm cách ngăn cản các liên minh giữa các đối thủ của mình như một lẽ tất nhiên – họ sẽ làm mọi thứ có thể để chia và trị”.
Minh họa cho luận điểm của mình, nhà phân tích đề cập đến các nỗ lực thường xuyên của Anh trước kia trong việc “duy trì một thế cân bằng quyền lực trên lục địa, cho phép đế chế hải quân của nước này không bị thách thức khi hy sinh Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn ngừa liên kết giữa Nga và Pháp – điều có thể đe dọa các eo biển và do đó cả khả năng tiếp cận hòn ngọc của đế chế Anh, đó là Ấn Độ”.
Kraus đi vào cụ thể: “Do ngập chìm trong các tuyên bố thắng lợi và đánh mất sự ý thức về các giới hạn của mình nên dù Trung Quốc mới là nước duy nhất có khả năng tạo ra mối đe dọa sống còn đối với sự áp đảo của Mỹ, chính quyền Mỹ vẫn mắc một sai lầm ngoại giao lớn, đó là làm mọi thứ có thể để đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc, tự gây cho mình cơn ác mộng tệ hại nhất.”
Xem thêm:
>> Thế khó kinh tế của Trung Quốc thực tế lớn hơn nhiều, không chỉ do Mỹ
>> Nga, Trung Quốc hưởng lợi từ mối quan hệ “chưa từng thấy”
Ngược lại, Kraus phân tích: “Bây giờ mà thừa nhận cách tiếp cận này là thất bại thì chẳng khác nào thực hiện tự sát chính trị. Nên sau khi trót cho rằng liên minh Nga-Trung Quốc là điều không thể có thì bây giờ người ta lại cố xem nhẹ điều này. Quan điểm chính thức bây giờ là công nhận liên minh đó có thật nhưng Nga ở vào thế bất lợi trong quan hệ đó”. Tuy nhiên điều này cũng vô lý nốt và quan hệ này đã được chứng minh là có lợi cho đôi bên.
Số phận khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn
Theo Kraus, nước Nga và Trung Quốc dường như có số phận phải xích lại gần nhau trong bối cảnh sự quản lý của nước Mỹ “đã trở nên kém hiệu quả một cách nguy hiểm” do “hệ thống lưỡng đảng nổi tiếng của Mỹ đã suy sụp rồi chuyển hóa thành hệ thống một đảng, với sự xuất hiện của một số phe phái”.
Kraus lưu ý: “Với việc đảng Dân chủ Mỹ trở nên quân phiệt hơn với các đối thủ thì bất cứ nỗ lực ôn hòa và ngoại giao nào đều bị quy chụp là dấu hiệu của sự mềm yếu không chấp nhận được. Như vậy không tồn tại triển vọng thực tế nào về một quan điểm bớt cứng rắn hơn từ phía Washington, và điều này khiến Trung Quốc và Nga không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc kháng cự lại các sự quá đà kiểu đế chế”.
Tuy nhiên, Kraus nhận xét rằng quan điểm Bắc Kinh và Moscow “không hoàn toàn tương đương”. Trên hành trình xác lập tầm ảnh hưởng địa chính trị, Trung Quốc là siêu cường đang trỗi dậy – thời gian đang nằm về phía Trung Quốc, và hiện nay họ đang tìm cách tránh xung đột công khai và tình thế đối đầu sớm”.
Trong khi đó, Kraus nhấn mạnh, một lần nữa số phận lại đẩy Nga lên tuyến đầu ngay, đứng trước sự lựa chọn tương phản rõ rệt giữa phương án kháng cự lại thế “hung hăng” của phương Tây và phương án chấp nhận sự thống lĩnh của người Mỹ. Theo Kraus, những ai am hiểu lịch sử Nga đều biết quốc gia này sẽ lựa chọn con đường nào./.