Xử lý máy nông nghiệp tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ
Lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, xử lý hành vi sử dụng máy nông nghiệp tự chế, tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 3.

Buổi tuần tra kiểm soát phối hợp giữa Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh và Đội cảnh sát giao thông, Công an huyện Phú Lương, tập trung xử lý hành vi sử dụng máy nông nghiệp tự chế, tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 3. Qua tuần tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 2 trường hợp vi phạm, tiến hành lập biên bản, tạm giữ phương tiện đưa về Công an huyện Phú Lương để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại úy Hoàng Phùng Hạnh, Đội phó Đội cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trước hết, chúng tôi làm tốt công tác tuyên truyền đối với các cá nhân, tổ chức là chủ các phương tiện; rà soát, lập danh sách, yêu cầu các chủ phương tiện ký cam kết không tham gia hoạt động trên các tuyến đường giao thông công cộng. Song song với đó, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đã tăng cường lực lượng, chỉ đạo các tổ tuần tra, kiểm soát tập trung phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm, cương quyết đưa về Công an huyện tạm giữ, rà soát, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật".

Xử lý máy nông nghiệp tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ
Số lượng máy nông nghiệp tự chế trên các địa bàn nông thôn đang gia tăng nhanh.

Máy nông nghiệp tự chế của người dân bị lực lượng chức năng tạm giữ, ngoài phần máy kéo thì người dân đã đóng thêm thùng hàng phía sau với mục đích vận chuyển hàng hóa và các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Ngoài phần đầu kéo được nhập từ nước ngoài có đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về máy nông nghiệp, phần thùng hàng phía sau được sản xuất lắp ráp thủ công, bằng mắt thường cũng có thể thấy tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của các phương tiện này rất thấp.

Đại úy Hoàng Phùng Hạnh, Đội phó Đội cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm: "Đối với các loại máy nông nghiệp, đặc thù là công dụng sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, không đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật, không được đăng ký, đăng kiểm. Ngoài ra, đối với người điều khiển các loại xe này cũng chưa được đào tạo cơ bản, chưa có giấy phép lái xe theo quy định".

Không thể phủ nhận hiệu quả của các máy nông nghiệp đã hỗ trợ rất tốt cho người dân nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế, nhưng số lượng các máy nông nghiệp trên địa bàn nông thôn đang gia tăng nhanh và việc một số người dân đang lạm dụng sử dụng các máy nông nghiệp ngoài mục đích sản xuất để tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Anh Trần Quang Trung, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương chia sẻ: "Máy nông nghiệp là để phục vụ công việc cày bừa của gia đình, nhưng vì điều kiện hoàn cảnh bây giờ hết vụ nên tôi tranh thủ sử dụng chứ không thường xuyên".

Việc tăng cường xử lý các vi phạm liên quan đến máy nông nghiệp tự chế là việc làm cần thiết. Nhưng bên cạnh đó thì người dân cũng mong muốn các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu giải pháp giúp cho người dân có thể tận dụng nhiều hơn công dụng của các máy móc nông nghiệp trong quá trình sản xuất./.