Vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm: Bà May quyết tâm theo đuổi Brexit
Thủ tướng Theresa May hôm 16/1 kêu gọi các nghị sỹ gác sang một bên mọi khác biệt chính trị để cùng nhau phá vỡ bế tắc trong thỏa thuận chia tay với EU. Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ tổ chức nhiều cuộc đối thoại hơn để đạt được thỏa thuận khi thời hạn 29/3 đang đến gần. Bà đã mời lãnh đạo của tất cả các đảng chính trị tham dự các cuộc họp riêng với bà, trao đổi về con đường Brexit sắp tới của nước Anh.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters |
Ngay từ ngày hôm nay (17/1), bà sẽ có cuộc gặp với những nghị sỹ bảo thủ theo phái hoài nghi châu Âu để thảo luận về những đề xuất đối với vấn đề Brexit. Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố:
“Chính phủ đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Điều này cho chúng ta cơ hội để tập trung vào việc tìm hướng đi cho Brexit. Thỏa thuận mà tôi nhất trí với Liên minh châu Âu đã bị các nghị sỹ bác bỏ với tỷ lệ khá cao. Tôi tin rằng nhiệm vụ của tôi là giữ lời hứa với người dân dẫn dắt nước Anh rời EU. Giờ đây, các nghị sỹ cần nêu rõ điều họ không muốn, và chúng ta phải làm việc cùng nhau một cách xây dựng để thực hiện những điều Quốc hội mong muốn”
Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ đàm phán một cách chân thành và nhận được đủ lá phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ. Bà cũng sẽ trở lại Brussel để đàm phàn lại với EU về những đề xuất này, nhằm mục tiêu thỏa thuận Brexit sẽ được thông qua trong lần trình quốc hội và bỏ phiếu lại vào ngày 21/1. Bị Quốc hội bác bỏ Thỏa thuận Brexit mà bà dày công đàm phán với EU, Thủ tướng Theresa May vẫn giữ thông điệp hòa giải, tuyên bố các nghị sĩ có quyền thách thức vai trò lãnh đạo của bà nhưng cảnh báo bất kỳ thất bại nào trong việc thực hiện kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, cũng là một “thảm họa cho dân chủ”.
Thủ tướng Anh cho rằng, cần tôn trọng ý nguyện của người dân Anh, bởi người dân, đặc biệt là công dân EU đang sống ở Anh và công dân Anh đang sống trong EU, xứng đáng được biết rõ câu trả lời càng sớm càng tốt. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Anh cũng đồng tình với Thủ tướng, cảnh báo nguy cơ mất việc làm và sự hỗn loạn tại các hải cảng nếu kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy ra.
Trước sự rối ren trong tiến trình Brexit, Liên minh châu Âu (EU) lập tức cảnh báo viễn cảnh Anh chia tay EU mà không có thỏa thuận, một kết quả có thể làm gián đoạn hoạt động giao thương, khiến nền kinh tế Anh bị đình trệ cũng như làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhận định có nhiều khả năng diễn ra một Brexit “vô trật tự”, trong khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đề nghị nước Anh nên lật ngược Brexit và ở lại EU. Tuy nhiên, ông John McDonnell, nhân vật sắp trở thành Bộ trưởng Tài chính của Đảng Lao động Anh, nhận định với quyết tâm của thủ tướng Theresa May, cuối cùng bà cũng có thể được Quốc hội thông qua thỏa thuận nếu chịu thỏa hiệp với đảng của ông.
Trong một động thái có lợi cho Thủ tướng Theresa May, các quan chức Liên minh châu Âu đang cân nhắc kế hoạch trì hoãn Brexit cho tới năm 2020 sau khi Đức, Pháp ngỏ ý sẵn sàng kéo dài thời gian cho nước Anh đàm phán. Trước đây đã có ý kiến kéo dài thêm 3 tháng, tức là đến cuối tháng 6/2019 nhưng xét bối cảnh rối ren như hiện nay, các quan chức EU tính đến khả năng kéo dài tiến trình Brexit đến năm 2020./.